Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học ‘vươn mình’, sinh viên hưởng lợi

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ dừng lại ở khâu tuyển sinh và đào tạo sinh viên trong nước, nhiều đại học Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác với trường ở nước ngoài, hướng đến mở rộng quy mô đào tạo. Nhờ đó, người học hưởng lợi vì có thêm sự lựa chọn.

Lãnh đạo trường Đại học Ngoại Thương thăm và làm việc tại Học Viện Sư Phạm Quảng Tây (Trung Quốc). Ảnh: Xuân Mai.
Hợp tác
Giáo sư Vũ Chí Lộc – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngoại Thương, cho biết, cùng với không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường còn chú trọng đến hợp tác giáo dục với nhiều đại học trên thế giới, hướng tới tuyển sinh và đào tạo sinh viên quốc tế. Vì thế, theo Giáo sư Lộc, hiện nay, Đại học Ngoại Thương hợp tác với nhiều trường ở Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản…
Hướng tới “sân chơi” quốc tế hóa giáo dục, cuối tháng ba vừa qua, Giáo sư Lộc dẫn đầu đoàn công tác của Đại học Ngoại Thương, thăm và làm việc tại nhiều trường ở Trung Quốc, như Học Viện Sư phạm Quảng Tây (tỉnh Quảng Tây), Đại học Sư phạm Giang Tây (đại học sư phạm lớn nhất Giang Tây)…
Theo đó, lãnh đạo hai trường cụ thể hóa những biên bản hợp tác mới được ký kết về mô hình đào tạo 1 + 3 (tuyển sinh bằng xét tuyển hồ sơ, sinh viên học một năm tiếng Trung ở Đại học Ngoại Thương, ba năm học chuyên ngành ở Học Viện Sư Phạm Quảng Tây hoặc Đại học Sư phạm Giang Tây). Trường đại học phía Trung Quốc cấp bằng cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Giáo sư Lộc cho hay, phía Đại học Ngoại Thương đã sẵn sàng để tháng chín tới tuyển sinh khóa đầu tiên theo mô hình hợp tác 1 + 3 với Đại học Sư Phạm Giang Tây. Ngoài gia, Đại học Ngoại Thương tiếp tục chương trình trao đổi sinh viên với nhiều trường bạn khác.
Cùng giải bài toán “quốc tế hóa giáo dục”, Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang có những bước đi cụ thể. Theo bà Đỗ Thị Kim Cương – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Quốc tế (CIET), thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh việc hợp tác với 110 trường ở 34 nước trong lĩnh vực trao đổi học thuật và liên kết đào tạo sau đại học, trường cũng đang áp dụng mô hình 2 + 2 cùng Đại học Ngoại ngữ Pusan (Hàn Quốc). Sinh viên thi đỗ và học hai năm tại Đại học Sư phạm Hà Nội (miễn học phí), sau đó, học hai năm tại Đại học Ngoại ngữ Pusan (đóng học phí theo quy định của trường này).
Bà Cương cũng đại diện cho Đại học Sư Phạm vừa làm việc tại Học Viện Sư Phạm Quảng Tây và Viện Giáo dục Quốc tế (thuộc Đại học Sư Phạm Giang Tây, Trung Quốc). Theo bà Cương, trong tương lai gần, Đại học Sư Phạm Hà Nội sẽ tuyển sinh những “khóa học quốc tế” 1 + 3, 2 + 2.
Còn ông Nguyễn Xuân Hòa – chuyên viên Trung tâm Hợp tác Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) cho hay, sau khi mở lớp hợp tác với các trường của Hàn Quốc, trường này cũng cử ông công tác tại một số đại học ở Trung Quốc để học tập, mở rộng sự hợp tác trong tuyển sinh, đào tạo.
Sinh viên lợi
Việc các trường đại học Việt Nam kết hợp với đối tác ở Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đồng nghĩa với sinh viên có nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài. Không những thế, học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng có thêm kênh tham khảo để “vào đời”. Nếu không thi đỗ đại học trong nước, các em có thể chọn những mô hình đào tạo 1+3 hay 2+2 (tất nhiên học phí sẽ cao hơn trường công lập trong nước, nhưng bằng do đại học “tây” hoặc “tàu” cấp).
Trao đổi với phóng viên tại Giang Tây (Trung Quốc), Giáo sư Lý Hành Lượng – Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (thuộc Đại học Sư Phạm Giang Tây), cho biết, ngoài việc liên kết đào tạo theo hai mô hình trên với Đại học Hà Nội và tới đây là Đại học Ngoại Thương, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên…, Viện này còn muốn triển khai mô hình 0 + 4 với các trường tại Việt Nam.
Nghĩa là, Viện Giáo dục Quốc tế nói riêng và Đại học Sư Phạm Giang Tây nói chung, sẽ “nhờ trường Việt Nam tuyển sinh hộ”. Sinh viên Việt Nam sẽ học cả bốn năm tại Trung Quốc và nhận bằng của trường bạn sau khi tốt nghiệp. Trường đại học Việt Nam là “đại lý tuyển sinh” lựa chọn sinh viên, giúp các em du học an toàn, hiệu quả hơn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Lê Quỳnh Hoa – Phó phòng Hợp tác Quốc tế (Đại học Ngoại Thương), chia sẻ, hình thức hợp tác giữa các trường giúp sinh viên chi phí thấp hơn và an toàn hơn du học tự túc. Ngoài việc có thỏa thuận hợp tác chính thống, trường Đại học Ngoại Thương cũng khảo sát kỹ chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, học phí, điều kiện ăn ở… của trường bạn trước khi hợp tác, giúp sinh viên yên tâm học tập hiệu quả nhất.
Ngoài ra, học sinh còn có thêm một thuận lợi nữa để du học ở những trường đại học lớn trên thế giới hợp tác với Việt Nam, khi họ mở ngành Tiếng Việt. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Đại học Ngoại Thương vừa qua, Giáo sư Lưu Mạt Nhân – Hiệu trưởng Học Viện Sư Phạm Quảng Tây khẳng định, trường đã hoàn tất thủ tục và được phép mở ngành đào tạo Tiếng Việt tại Học Viện vào cuối năm nay. Vì thế, trong tương lai, sinh viên Việt Nam rất có thể sẽ học chuyên ngành ở Học Viện này bằng tiếng Việt, bên cạnh tiếng Anh và tiếng Trung.
Nhiều đại học “vươn mình” ra thế giới
Ngoài việc đang xúc tiến hợp tác với các trường đại học ở Quảng Tây, Giang Tây (Trung Quốc), nhiều năm nay, Đại học Ngoại Thương đã tuyển sinh cho chương trình liên kết 3+1 đào tạo Cử nhân Kinh doanh với Đại học Bedfordshire (Anh); Cử nhân Quản trị Tài chính và Dịch vụ (do Trường Kinh doanh Neils Brock Copenhagen, Đan Mạch cấp bằng); hợp tác với nhiều trường đại học ở Đài Loan…
Một số trường khác, trong kỳ tuyển sinh 2011, cũng “vươn mình” ra thế giới, với nhiều mô hình hợp tác đào tạo, như: Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội) liên kết với Đại học Troy (Mỹ), tuyển sinh khóa 10 chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh, học 100% bằng tiếng Anh, Đại học Troy cấp bằng.
Đại học Bách Khoa Hà Nội tuyển 500 chỉ tiêu chương trình hợp tác đào tạo quốc tế (ngoài ngân sách). Điểm xét tuyển dựa trên điểm thi đại học cho từng chương trình (cấp bằng đại học của Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc cấp bằng đại học của trường đối tác).
Trong khi đó, Đại học Giao thông Vận tải tiếp tục mở các lớp theo chương trình hợp tác với Tổ chức các trường Đại học Pháp ngữ (AUF), đại học LEEDS (Vương Quốc Anh), Đại học Mỏ của Pháp (GEM), chương trình hợp tác đào tạo với một số trường đại học và các doanh nghiệp của Nhật Bản dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Đại học Giao thông Vận tải cũng hợp tác đào tạo với Đại học Tây Nam (Trung Quốc), Đại học SHEFFIELD HALLAM, Đại học HERTFORDSHIRE (Anh), Đại học Quốc tế KBU (Malaysia)…
Học bốn năm, nhận hai bằng đại học
Những học sinh, trong kỳ tuyển sinh tới đây, thi không đỗ vào Đại học Sư Phạm Hà Nội, vẫn có thể tham gia chương trình này (xét hồ sơ). Sau khi học hai năm ở Đại học Sư Phạm (có đóng học phí), sinh viên học tiếp hai năm tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, sinh viên chỉ được nhận một bằng do Đại học Sư Phạm Ngoại ngữ Pusan cấp.
Xuân Mai / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)