Hàng chục triệu người dân nước Việt hướng về thủ đô yêu dấu với sự kì vọng lớn lao vào những quyết sách đúng đắn của đại hội (ĐH) lần này. Tâm huyết, trí tuệ, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân được thể hiện qua từng dòng của văn kiện, qua từng ý kiến đóng góp chân thành, tâm huyết, trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, mỗi người dân yêu nước với những kì vọng, niềm tin vững chắc, và có cả những băn khoăn trăn trở, những đề xuất hiến kế mang tính giải pháp trước mắt và lâu dài để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tháo gỡ những khó khăn nhằm mục đích cuối cùng là đưa đất nước vững vàng tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu 10 năm tới đây được sự đồng tình cao của xã hội là: đến cuối năm 2020 Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hơn ai hết, 1.377 đại biểu chính thức tham dự ĐH hiểu rõ tầm quan trọng của ĐH lần này. Quan trọng không chỉ ở định kì 5 năm một lần mà ở nhiều góc độ khác nhau. Ngoài việc tổng kết thực hiện Nghị quyết đại hội X, đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới và bầu BCH Trung ương khóa XI, ĐH lần này còn tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm qua và vạch ra Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm tới… Có thể nói, những bài học kinh nghiệm qua thời gian đổi mới sẽ vô cùng quý báu cho định hướng thời gian tới. Ở đó, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến công tác cán bộ, đến xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, đến các nhóm giải pháp tổng thể phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng nhưng phải hài hòa với an sinh xã hội, đến các quyết sách phòng chống tham nhũng lãng phí một cách căn cơ hiệu quả để Đảng luôn trong sạch vững mạnh, để nhân dân một lòng tin Đảng, theo Đảng…! Gắn liền với công tác xây dựng Đảng là phòng chống tham nhũng quyết liệt, có giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, làm từ trên xuống, ở cấp càng cao, càng nghiêm minh, trong sạch; phải tạo ra cơ chế thuận lợi, an toàn cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng vào cuộc mới mong thành công.
Cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kì đại hội là Ban chấp hành Trung ương. Do vậy, toàn dân đang kì vọng vào sự sáng suốt giới thiệu và lựa chọn nhân sự bầu BCH Trung ương khóa XI. Đó phải là những người đảng viên với lí tưởng cộng sản cao cả, đủ phẩm chất, năng lực, trong sạch hoàn toàn và toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, gần dân, hiểu dân, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu. Nhân dân cũng đang kì vọng sẽ có một BCH Trung ương trẻ trung, tài đức với những con người dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm; có kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh vững vàng, có những đột phá cần thiết cho sự phát triển bền vững của Tổ quốc! Tất cả sự kì vọng ấy được mỗi người dân, mỗi đảng viên, mỗi cơ sở đảng gửi gắm vào đoàn đại biểu, vào mỗi đại biểu của tỉnh thành mình tham dự ĐH toàn quốc. Chắc chắn rằng, khi thảo luận, khi giới thiệu nhân sự, lúc cầm trên tay lá phiếu, mỗi đại biểu sẽ nhớ rõ sự kì vọng lớn lao của nhân dân. Và, khi đã trúng cử, mỗi ủy viên BCH Trung ương chắc chắn sẽ nỗ lực để đáp ứng sự kì vọng chính đáng ấy của hàng chục đồng bào. Có thể nói, nhân sự BCH Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng. Ngay trong năm 2011 này, sau ĐH Đảng, cả nước bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Sau khi có kết quả bầu cử, một ban lãnh đạo mới của Đảng, của Quốc hội, của Nhà nước, Chính phủ mới được bầu chọn để lãnh đạo, điều hành đất nước thực hiện Nghị quyết ĐH XI. Do vậy, kết quả ĐH, kết quả bầu cử BCH Trung ương lần này mang ý nghĩa quyết định cho hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đầu thập niên mới.
Trong các diễn đàn trước và trong đại hội, các nhân sĩ trí thức và nhân dân đều quan tâm số một đến bài toán nguồn nhân lực cho 10 năm tới và những tiếp theo. Trong đó, quan tâm đúng mức và đầu tư thỏa đáng cho giáo dục đào tạo để phát triển mạnh sự nghiệp trồng người được nhắc đến nhiều nhất. Quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế phát triển nhanh chóng, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cấp bách hơn bao giờ hết. Cộng vào đó, nền kinh tế tri thức của nhân loại đang cạnh tranh quyết liệt bắt buộc Việt Nam không được đứng bên lề… Những đòi hỏi khắt khe ấy dồn lên vai ngành giáo dục nên yêu cầu quan tâm đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu xã hội và thời đại là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược 10 năm tới. Trong tổng thể ấy, vai trò, vị trí của người thầy cũng cần được khẳng định tương xứng. Chính sách thu hút người giỏi thi vào sư phạm, người tài phục vụ cho giáo dục đào tạo cần được quan tâm đúng mức với những chủ trương phù hợp. Không thể có người giỏi, người tài, người tâm huyết tận tụy với sự nghiệp trồng người cao cả khi mà đời sống của người thầy còn bấp bênh, lận đận! Đội ngũ nhà giáo trông cậy vào những quyết sách của ĐH lần này mang tính đột phá để thực sự đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Hơn một triệu thầy cô giáo ở các bậc học trên mọi miền Tổ quốc có thừa nhiệt huyết và tận tụy ngày đêm với việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước nhưng cũng đang cần sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để cuộc sống của giáo viên được đảm bảo, để thầy cô toàn tâm toàn ý cho công việc của mình!
Như những thầy cô giáo tâm huyết, gắn sống còn với nghề nghiệp, một lòng theo Đảng vì lợi ích của dân tộc Việt Nam, tôi đặt trọn niềm tin và sự kì vọng vào đại hội XI của Đảng – ĐH của trí tuệ và niềm tin!
Nhà giáo THANH LIÊM
Bình luận (0)