Ngày 29-12-2024, Hội nghị khoa học Tim mạch can thiệp Mekong lần thứ nhất được tổ chức với chủ đề “Tim mạch can thiệp trong thời đại mới”. Hội nghị được xem là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Chi hội Tim mạch can thiệp Mekong, đồng thời mở ra hành trình phát triển mới cho lĩnh vực tim mạch can thiệp tại ĐBSCL.
Gần 770 thầy thuốc là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các bệnh viện; Ban giám hiệu các trường đại học y dược trong toàn quốc, các bác sĩ chuyên ngành tim mạch can thiệp, cùng ban giám đốc các sở, ngành liên quan… đã dự
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Với tinh thần “Tinh thông – sáng tạo – hợp tác – trách nhiệm”, hội nghị lần này là diễn đàn quy tụ những nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành từ khắp cả nước để cùng chia sẻ những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng như các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp. Đây không chỉ là cơ hội để mở rộng tri thức mà còn là nền tảng để tăng cường gắn kết, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng y khoa”.
Tại hội nghị, với các phiên hội thảo được trình bày theo các chủ đề: Tim mạch can thiệp – Quá khứ, hiện tại và tương lai. Hình ảnh học trong tim mạch can thiệp. Cập nhật thuốc kháng tiểu cầu trong thực hành. Cập nhật các vấn đề tim mạch. Chẩn đoán và điều trị hội chứng vành cấp. Dụng cụ và kỹ thuật mới trong tim mạch can thiệp. Suy tim trong thực hành. Can thiệp sang thương phức tạp. Nghiên cứu trong thực hành; các thầy thuốc được các chuyên gia đầu ngành báo cáo tham luận; cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và trình bày về những tiến bộ của y khoa Việt Nam trong lĩnh vực tim mạch can thiệp; trong đó tham luận “Những kỹ thuật mới trong điện sinh lý và tạo nhịp tim” của TS.BS Phạm Như Hùng – Phó Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, cho thấy: Qua nghiên cứu, sử dụng kỹ thuật điều trị trong rối loạn nhịp tim bằng máy tạo nhịp không dây có nhiều ưu điểm như: Kích thước nhỏ và không phải làm túi máy, giúp làm giảm biến chứng như nhiễm trùng ổ máy. Tránh được biến chứng tuột điện cực. Cải thiện được chất lượng sống cho bệnh nhân (máy làm hạn chế hoạt động cho bệnh nhân). Thiết kế có thể thu lại nên có thể dễ đặt lại ở vị trí khác. Thời gian thủ thuật nhanh hơn so với ca điều trị tạo nhịp truyền thống; ít gây hở van 3 lá…
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận chuyên sâu nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh lý tim mạch gây ra, nâng cao hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe và chất lượng sống cho người dân khu vực ĐBSCL..
Một trong các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chi phí điều trị tim mạch can thiệp có giá khá cao, khiến những bệnh nhân nghèo gặp khó, hoặc có thể không khả năng điều trị. Các đại biểu mong bảo hiểm y tế tham gia thanh toán – hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân; đồng thời các công ty sản xuất nghiên cứu để có thể hạ giá thành vật tư y tế trong lĩnh vực tim mạch.
Trước đó, tại phiên đại hội vào chiều 28-12-2024, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Chi hội Tim mạch can thiệp Mekong lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2027 bao gồm 30 thành viên, PGS.TS Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch.
Đan Phượng
Bình luận (0)