Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã bắt đầu

Tạp Chí Giáo Dục

Hồ Hoàn Kiếm lung linh sắc màu cho ngày Đại lễ. Ảnh: N.Huê

Sáng nay (1-10), Lễ khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Tổng đạo diễn Đại lễ là NSƯT Đặng Văn Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Lễ khai mạc gồm hai phần: lễ và hội. Trong phần lễ, sau khi dàn trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ sẽ có hiệu lệnh “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long” và thắp lửa trên Đài lửa. Tiếp đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội làm lễ dâng hương. Phần hội diễn ra tại 5 sân khấu khu vực xung quanh Hồ Gươm và Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám.
10 ngày đại lễ, Hà Nội và cả nước đã chuẩn bị tất cả bằng cả trái tim và nguồn lực của mình.
Hà Nội: đêm không ngủ
Có lẽ, chưa bao giờ Hà Nội đẹp đến thế. Nước Hồ Gươm – trái tim của thủ đô trong những ngày trước thời khắc bước vào 1.000 năm tuổi vẫn xanh như thế. Nhưng không gian quanh hồ bỗng lung linh, huyền ảo gấp bội phần bởi hàng trăm ngàn ngọn đèn điện đầy màu sắc tô điểm cho hòn ngọc của thủ đô. Các cụm di tích xung quanh Hồ Hoàn Kiếm như: cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Tháp Hòa Phong… cũng lung linh, huyền ảo bởi ánh sáng của hàng ngàn ngọn đèn màu rực rỡ. Các sân khấu lớn đã được dựng xong trước Tượng đài Lý Thái Tổ và ngã tư phố Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng để trong những ngày tới, sẽ trình diễn nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhân dân. Trước đêm “giao thừa” 1-10 cả chục ngày, tất cả các con phố đều đã rợp cờ đỏ sao vàng. Từng hàng cây, từng con đường đều được trang trí đèn hoa rực rỡ. Các chùm đèn treo rủ cùng những chiếc đèn hình hoa sen, hình ngôi sao… càng tô điểm cho vẻ rực rỡ của những tuyến phố. Đặc biệt, trên tuyến Điện Biên Phủ ra Hồ Hoàn Kiếm, hệ thống chiếu sáng còn có cả kịch bản chi tiết. Cụ thể, kịch bản “trang trí bằng đèn chiếu sáng” sẽ tái hiện lại chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc, từ chim Lạc, trống đồng đến hình tượng cây tre của Thánh Gióng và cuối cùng là thời đại Hồ Chí Minh với thủ đô hòa bình, chim bồ câu tung cánh.
Từ trước đại lễ rất lâu, Hà Nội đêm đã không ngủ.
Những công trình mang dấu ấn nghìn năm
Trước đại lễ, toàn thành phố đã dốc toàn lực cho nhiều công trình mang dấu ấn nghìn năm.

Đường phố Hà Nội tràn ngập đèn, hoa cho ngày Đại lễ. Ảnh: N.H

Đường Láng – Hòa Lạc – con đường lớn nhất cả nước nối liền thủ đô với các tỉnh phía tây đất nước đã khánh thành một ngày trước đại lễ và được mang cái tên đầy ý nghĩa đại lộ Thăng Long. Những tòa nhà cao tầng mới, hiện đại mọc lên và được khánh thành trước thềm đại lễ: Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam, Capital Tower… cùng hàng trăm công trình mới, công trình được nâng cấp, cải tạo khác như: Công viên Hòa Bình; Bảo tàng Hà Nội; Rạp Kim Đồng; Rạp Đại Nam… đang góp phần làm thay đổi diện mạo của thủ đô. Trước đó, ngôi trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam mới tọa lạc trên mảnh đất 5ha cũng đã được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo gắn biển công trình nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy – một trong những cây cầu hiện đại nhất của cả nước hoàn toàn do các nhà thiết kế, thi công Việt Nam thực hiện cũng đã được đưa vào sử dụng. Từ nội đô đi Hải Phòng, Quảng Ninh… qua cầu Vĩnh Tuy sẽ giảm được 3km và góp phần giảm tải, giảm ùn tắc cho cầu Chương Dương.
Con đường gốm sứ dọc sông Hồng được đi vào kỷ lục Guiness…
Một thành tựu không thể không nhắc tới trong dịp này, đó là Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đó cũng là một nỗ lực phi thường của Hà Nội. Hoàng Thành Thăng Long từng bị xếp vào diện “hoãn” xem xét. ICOMOS cho rằng qui mô di sản quá nhỏ, tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản chưa đủ cơ sở khoa học và sức thuyết phục. Bên cạnh đó, điều kiện quản lý, bảo vệ, bảo tồn còn rất mỏng, chưa bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa của di sản… Tuy nhiên, bằng những việc làm trong cải tạo, khai quật và quản lý di tích quý giá này, Hà Nội đã chứng minh và thuyết phục được cả hội đồng uy tín như ICOMOS. Trong dịp đại lễ, Hoàng Thành sẽ được mở cửa đón du khách và cũng chính thức đón nhận Bằng Di sản văn hóa thế giới…
Hà Nội chưa bao giờ đẹp đến thế và Hà Nội cũng chưa bao giờ đông đến thế. Đối với phụ huynh một số trường được nghỉ trong những ngày đại lễ tuy không còn lo lắng khoản đưa đón con nhưng vẫn không khỏi lo lắng đường đi làm khi mà những tuyến phố trung tâm thành phố bị cấm. Và tất nhiên những ngày này, phương tiện đi lại hiệu quả nhất đó là… xe buýt và đi bộ.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)