Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đại lộ Đông Tây TP.HCM: Phân luồng chưa hợp lý

Tạp Chí Giáo Dục

Một đoạn của đại lộ Đông Tây. Ảnh: Hà Anh

Đại lộ Đông Tây, các đoạn đi qua quận 1, 5, 6 đã được khánh thành, đưa vào sử dụng từ hơn 1 tháng qua nhưng con đường rộng lớn và đẹp vào loại bậc nhất ở TP.HCM này lại thường xuyên vắng vẻ, trong khi các tuyến song song hoặc tuyến nối với đường này luôn xảy ra ùn tắc giao thông. Mục tiêu giảm áp lực, tạo thuận lợi cho giao thông của đại lộ Đông Tây vì sao chưa thực hiện được?
Con đường đẹp nhất thành phố
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân khách quan là do toàn tuyến chưa hoàn thành (còn hạng mục hầm Thủ Thiêm, phần đường nối tuyến thuộc Q.1, Q.5 và phần đường phía Q.2), chỉ mới đưa vào sử dụng 2/3 công trình nên chưa tạo ra trục giao thông thông suốt như thiết kế. Điều quan trọng là các đường nối ở khu vực nội thành vướng nhiều công trình thi công và việc phân luồng chưa hợp lý. Theo Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP.HCM thì đại lộ này từ quốc lộ 1A vào Q.1 có tổng cộng 39 vị trí kết nối với các con đường hiện hữu. Tuy nhiên, chỉ mới có 18 vị trí đã được kết nối như: quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Bình Tiên, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Bình Tây, Chu Văn An, Gò Công, Phùng Hưng, Nguyễn An Khương, Nhiêu Tâm… Các tuyến còn lại đều vướng công trình nên chưa thông xe hoàn toàn, ngay cả các tuyến được cho là đã kết nối cũng còn “lô cốt” trên mặt đường.
Các tuyến kết nối với đại lộ Đông Tây còn chưa được phân luồng hợp lý. Cụ thể như các đường Phó Đức Chính, Calmette (Q.1) là đường một chiều, điểm kết nối với đại lộ Đông Tây còn rối, chưa thu hút được dòng xe từ hướng Q.1 về Q.4 qua cầu Calmette và nút giao thông Nguyễn Tất Thành… Theo thiết kế đại lộ Đông Tây có 6 làn xe, gồm 4 làn ô tô (mỗi bên 2 làn) và 2 làn xe hỗn hợp (mỗi bên 1 làn). Phía trong trục đường chính là hai con đường dân sinh ở hai bên. Đoạn đầu từ quốc lộ 1A đến cầu Lò Gốm, mỗi bên đường dân sinh có 2 làn xe, lưu thông một chiều. Từ cầu Lò Gốm đến Q.1 mỗi đường dân sinh có 1 làn, nhưng cho phép lưu thông hai chiều. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhiều đoạn đường dân sinh vẫn còn ngổn ngang, mặc dù tuyến chính đã đưa vào sử dụng hơn 1 tháng qua. Điều này không chỉ gây cản trở các tuyến kết nối mà còn gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người dân sống ven đường.
Nhưng còn vướng nhiều công trình
Anh Trần T.H ngụ trên đường Tùng Thiện Vương Q.8 cho biết, về sự bất tiện khi tham gia giao thông trên đại lộ Đông Tây: qua cầu Chà Và vào đại lộ rất thoải mái nhưng muốn vào trung tâm Q.1 qua các đường kết nối như Trần Bình Trọng, Nguyễn Cảnh Chân, Hồ Hảo Hớn để ra Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… là cả một vấn đề vì từ chiều đường bên phải ở phía giáp với kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, phải băng qua đường, cắt mặt 2 làn xe hai chiều. Còn nếu qua đường theo nút giao thông như cầu Calmette chẳng hạn thì phải lòng vòng, lại đi vào đường nối phía Q.1 không như ý muốn của người tham gia giao thông do vướng đường một chiều, hoặc công trình trên mặt đường… Đây là lý do mà nhiều người chọn hướng tuyến khác chứ không đi vào đại lộ Đông Tây.
Theo Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT TP.HCM thì công trình đại lộ Đông Tây trong thời gian thực hiện, việc phân lại các luồng tuyến, biển báo đang được thực hiện để người dân đi lại thuận tiện hơn, cố gắng đến cuối năm nay sẽ hoàn chỉnh các nút kết nối, luồng tuyến. Theo kế hoạch đến tháng 6-2010 sẽ thông xe đoạn đường phía Q.2 và đến năm 2011, khi hoàn thành hầm Thủ Thiêm thì mới thông xe toàn tuyến. Chúng tôi cho rằng ngành quản lý giao thông thành phố và Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây cần thiết phải giải quyết nhanh chóng càng sớm càng tốt những hạn chế trong lưu thông, tận dụng những đoạn đã hoàn thành của đại lộ để góp phần vào việc giảm áp lực ùn tắc giao thông tại các tuyến nội đô, tránh lãng phí thay vì đổ cho việc công trình chưa hoàn thành.
Lê Hữu

Bình luận (0)