Mỗi giờ trong ngày và mỗi ngày trong tuần, Huang Hsing Yao chỉ làm một công việc duy nhất: ôm lấy những cuốn sách. Cậu học trò ở hòn đảo Đài Loan đang muốn nhồi nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt, để chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, vốn được xem là kỳ thi quan trọng nhất đời.
Bầu không khí rực lửa bên trong các lò luyện thi ở đảo Đài Loan
|
Chỉ còn ít thời gian nữa là kỳ thi tuyển sinh đại học ở Đài Loan bắt đầu và việc đỗ hay không sẽ quyết định tương lai của rất nhiều những người như Huang. Vì thế, cuộc sống của cậu học trò 18 tuổi lập tức đã chỉ còn gói gọn trong mấy chữ ăn, ngủ, học. Và khi học, đó thường là những lò luyện thi chật ních người ở trung tâm Đài Bắc.
Vào lò luyện thi để con cái hóa rồng, hóa phượng
“Hiện cháu chẳng có chút thời gian rảnh nào. Cháu học tối ngày” – Huang thổ lộ với phóng viên hãng tin AFP – “Đôi khi cháu có thể giải trí một chút ở nhà. Nhưng nhìn chung cháu luôn phải học để chuẩn bị tốt cho kỳ thi”.
Đài Loan là một xã hội bị ám ảnh bởi chuyện học hành, giống như ở nhiều nơi khác ở châu Á. Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, không chỉ xuất phát từ một triết lý Khổng giáo nhấn mạnh tới việc thường xuyên rèn luyện bản thân. Kết quả của xã hội ấy là sự xuất hiện hàng trăm ngàn những cậu bé tối ngày chỉ biết học giống Huang.
Các cuộc thăm dò do báo chí Đài Loan tiến hành thấy rằng 8/10 học sinh trung học ở hòn đảo có tham gia một số hình thức học thêm hoặc gia sư nhất định. Việc này nhằm giúp các em có đủ kiến thức để dễ dàng vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học. Không ít phụ huynh còn kỳ vọng nhờ luyện thi trong lò tốt, con mình có thể vào trường điểm và sau này ra trường sẽ có cơ hội kiếm việc làm tốt nhất.
Các lò luyện thi, rất dễ nhận ra với những tấm biển hiệu cỡ lớn thắp đèn sáng choang ở mọi thành phố của Đài Loan, đang kinh doanh vô cùng phát đạt tại hòn đảo này. Nhiều bậc phụ huynh sẵn lòng bỏ ra hàng núi tiền cho con vào lò, việc họ xem là vô cùng cần thiết.
“Là những phụ huynh, chúng tôi đều muốn các con trai mình hóa rồng và con gái hóa phượng” – Huang Hsien Chen, người cha 57 tuổi của Hsing tâm sự với phóng viên hãng tin AFP, có trích dẫn tới một câu nói truyền thống mô tả sự giáo dục có thể giải phóng tiềm năng lớn của con người.
“Sứ mạng kiến tạo tương lai”
Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, người có bằng cấp cao nhất thường vào làm ở các cơ quan nhà nước, còn ngày nay phần lớn cơ hội việc làm lại nằm ở lĩnh vực kinh tế tư nhân. Nhưng bất chấp sự thay đổi lớn ấy, niềm tin rằng giáo dục là cách duy nhất để có được sự thăng tiến trong xã hội vẫn lan rộng, cắm rễ sâu trong suy nghĩ của người dân.
“Rất nhiều phụ huynh có gốc nông dân hoặc dân lao động. Vì thế họ muốn con cái có tương lai sáng sủa hơn mình” – Chiang Shu Miao, giám đốc điều hành Viện Giáo dục Yu Da, một lò luyện thi với 23 chi nhánh đặt khắp trên hòn đảo, cho biết – “Theo truyền thống, giới học viện thường chiếm vị trí cao trong xã hội. Vì thế nhiều phụ huynh muốn con họ củng cố thêm kiến thức tại lò luyện”
Nhưng việc “củng cố kiến thức” có chi phí không hề nhỏ, dao động chừng 100.000 tân Đài tệ (3.400 USD) mỗi năm cho mỗi học sinh trung học. Số tiền này bằng với hai tháng thu nhập của phần lớn người dân hòn đảo. Song nhiều phụ huynh vẫn sẵn lòng chi tiền bởi môi trường học tập bù đầu của các lò luyện thi khiến con cái họ khó có thời gian lêu lổng.
“Phụ huynh thường rất bận bịu đi làm. Họ không thể chăm lo cho con cái. Vì thế chúng tôi còn kiêm luôn cả chức năng xã hội nữa” – Chiang nói – “Các lò luyện thi có tác động mang tính bình ổn với gia đình và xã hội. Tôi không quan tâm những người khác đánh giá mình ra sao. Chúng tôi có một sứ mạng kiến tạo tương lai cho thế hệ trẻ”.
Sức ép khổng lồ
Một số lò luyện đã tìm cách hút học sinh bằng việc tuyển vào những thầy giáo giỏi, nổi tiếng tại hòn đảo vì có khả năng đào tạo một lượng lớn sinh viên vượt qua cửa thi tuyển.
Họ cũng tạo ra một bầu không khí hăng hái như khi ra trận, giống như tại lò luyện của Huang, nơi học sinh phải đeo một băng đỏ có ghi chữ “Tiến lên” viết hoa trên đầu để thể hiện quyết tâm thi đậu.
Ngay cả các giáo viên cũng cảm thấy sức ép khổng lồ từ việc thi cử. Một số thầy cô giáo đã nhận điện thoại liên tục 24/24, luôn sẵn sàng để trả lời các câu hỏi từ những phụ huynh đang lo lắng. “Giáo viên ở đây tới rồi lại đi, cứ như thế. Sức ép ở đây rất cao” – Liu Chang Chi, một giáo viên ở Yu Da với thành tích 25 năm bám “lò luyện” cho biết.
Dĩ nhiên không phải phụ huynh nào cũng ép con học như một cái máy mà quên đi cuộc sống thường nhật. “Tôi là một người trọng truyền thống nên rất đề cao giáo dục. Nhưng tôi cũng là người mang tư duy mới” – ông Huang nói – “Không phải lúc nào tôi cũng ép con mình phải học, học, học. Đôi khi tôi cho cháu tiền tiên vặt, để cháu tham gia vào các hoạt động như chơi thể thao, học đàn guitar. Ngoài việc học, nó vẫn còn cả một cuộc đời rộng mở đang chờ đón ở phía trước”.
Theo Gia Bảo
(TT&VH)
Bình luận (0)