Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đái tháo đường: Nguy hiểm khi biến chứng

Tạp Chí Giáo Dục

Các BS Khoa Nội tiết – Thận (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) đang kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân
BS.CK1 Đỗ Thị Hạ Kỳ – Khoa Nội tiết – Thận (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2012 toàn thế giới đã qua cơn đại dịch bệnh đái tháo đường tuýp 2 vì có 366 triệu người mắc phải. Ước tính đến 2030, biểu đồ đó sẽ tăng vọt lên 51% có nghĩa con số này sẽ là 552 triệu người. 
Từ hội chứng ống cổ tay…
Theo BS. Hạ Kỳ thì hậu quả của bệnh đái tháo đường ít ai ngờ tới vì gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. 50% bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý ở bàn tay, các tổn thương này gây tàn phế và cần được phẫu thuật, trong đó 26% có nhiều hơn tổn thương một lần. Tiêu biểu nhất là hội chứng ống cổ tay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay.
 Hội chứng này có vị trí cả bàn tay hay 3 ngón rưỡi và có thể lan lên cổ tay, cẳng tay, khuỷu nếu không phát hiện kịp thời. Bệnh nhân có thể bị 2 tay nhưng thường bị bên tay thuận. Về điều trị hội chứng ống cổ tay giai đoạn sớm, bệnh nhân cần ngưng các động tác không phù hợp. Nhẹ thì massage, châm cứu, bấm huyệt giúp giảm đau, còn cần thiết thì nẹp cổ tay nhằm ổn định vị trí bàn tay. Nếu điều trị nội khoa thì dùng thuốc giảm đau, chống viêm uống corticoid tiêm. Khi điều trị nội không kết quả thì đành phải phẫu thuật (mở hoặc nội soi).
Khác với hội chứng ống cổ tay, viêm bao gân gấp ngón tay (còn gọi ngón tay lò xo, ngón tay cò súng) làm chít hẹp bao gân và dễ bị nhầm lẫn với gout hoặc viêm khớp dạng thấp. Ngoài điều trị theo phương pháp dùng thuốc hay phẫu thuật chúng ta có thể dùng phương pháp không dùng thuốc như chườm lạnh khi sưng nóng đỏ đau và cả chiếu tia hồng ngoại. Nằm trong “chuỗi” biến chứng cơ xương khớp còn có co cứng Dupuytren, giới hạn vận động khớp và xơ cứng ngón tay đái tháo đường. Co cứng Dupuytren là biểu hiện xơ hóa lòng bàn tay, tạo thành nốt chai làm gấp các ngón tay. Tần suất co cứng Dupuytren tăng theo tuổi và tuổi bệnh. Trong các biến chứng trên, giới hạn vận động khớp rất khó điều trị triệt để nên không còn cách khác là bệnh nhân phải tăng cường vật lý trị liệu.
…Đến nhiều biến chứng khác
ThS.BS Trần Thị Kim Chi – Khoa Nội tiết – Thận (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết, biểu hiện ở cột sống do đái tháo đường rõ nhất là dây chằng bị calci hóa nhưng ít bị phát hiện do chỉ đau và cứng nhẹ vùng trên lưng. Nguyên nhân hàng đầu gây đau ở vai là viêm dính khớp vai. Yếu tố nguy cơ cao tập trung vào bệnh nhân lớn tuổi, thời gian bệnh lâu năm, kiểm soát đường huyết kém. Còn nhồi máu cơ đái tháo đường sẽ hoại tử cơ vân do thiếu máu nuôi nhưng lại không có điều trị lý tưởng. Ngoài giảm đau kháng viêm, chống kết tập tiểu cầu, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi nhiều. Cùng với biểu hiện ở chi dưới, bệnh khớp do nguyên nhân thần kinh đái tháo đường (bàn chân Charcot) hay gặp ở độ tuổi ngoài 60 nhưng đa số lại chẩn đoán trễ vì giai đoạn đầu thường không đau mà kéo dài nhiều năm. Bàn chân Charcot được phân loại 4 giai đoạn: Viêm, tiến triển, lành và tái cấu trúc.
Thoái hóa khớp gối là một biến chứng khác của đái tháo đường làm cho khớp cứng và đau khi vận động. Những người thoái hóa khớp gối nên ngồi theo kiểu xếp bằng không nên ngồi xổm, leo cầu thang nhiều và khiêng vác đồ nặng lên vai. Tìm mọi cách giảm cân như đi bộ, đạp xe tại chỗ, không để loãng xương. Có thể mang theo nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau cũng là cách phục hồi có hiệu quả. Đối với chị em phụ nữ, không nên đi giày cao gót trong thời gian quá lâu. Ăn uống vô độ, không hoặc tập thể dục không đúng cách, nghiện thuốc lá, uống rượu bia cà phê nhiều cũng là tác nhân gây thêm bệnh. Chích lễ châm cứu không đảm bảo vô trùng, dùng chung dụng cụ cắt móng tay, dao cạo râu cũng là thói quen nên tránh.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Có thể nói, biến chứng cơ khớp xương đái tháo đường rất đa dạng và phức tạp. Các biến chứng này phát hiện thường trễ nên để lại di chứng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lời khuyên cuối với mọi người là phải ổn định đường huyết, biết dự phòng và phát hiện sớm ngay khi có bất thường, đồng thời đến BS để được thăm khám, tư vấn, điều trị” – BS. Trần Thị Kim Chi khuyến cáo.
 

Bình luận (0)