Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại tướng Mai Chí Thọ: Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Tạp Chí Giáo Dục

Là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, dù khi nắm giữ chức vụ hay đã nghỉ hưu, Đại tướng Mai Chí Thọ luôn chăm lo xây dựng phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cho cán bộ chiến sĩ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15-7-1922/ 15-7-2022), sáng 12-7, Thành ủy TP.HCM, Bộ Công an đồng tổ chức Hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên;  Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nam Định Phạm Gia Túc; Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê.

Đến dự có các đồng chí: Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu khác.

Người chiến sĩ cách mạng nhiệt thành

Đại tướng Mai Chí Thọ – người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, vị đại tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, một cán bộ xuất sắc và mẫu mực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM.

Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM là nơi ông gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu nặng của mình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đứng đầu là đồng chí Mai Chí Thọ, phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn – Gia Định ngày càng phát triển, đều khắp cả nội đô và ngoại thành, tạo nên một lực lượng chính trị hùng hậu, một lực lượng vũ trang tại chỗ rộng khắp, sẵn sàng phối hợp với lực lượng vũ trang tập trung khi thời cơ đến.

Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an, sự chuẩn bị chủ động và sáng tạo của đồng chí Mai Chí Thọ đã tạo nên sự phối hợp ăn ý khi quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM vẫn giữ được một TP hầu như còn nguyên vẹn, đó chính là kỳ tích của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao to lớn của đồng chí Mai Chí Thọ. “Đại tướng đã đi xa nhưng tư tưởng, tầm nhìn và quan điểm của ông vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự”, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho hay.


Toàn cảnh hội thảo

Nhấn mạnh Đại tướng Mai Chí Thọ là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt ở TP mang tên Bác Hồ trong những năm trước 1986, Đại tướng Lê Hồng Anh cho biết, lúc bấy giờ đồng chí Mai Chí Thọ đã tỏ rõ bản lĩnh của một nhà cách mạng thức thời và đầy bản lĩnh, cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Võ Văn Kiệt đã kiên quyết và nhất quán ủng hộ tư duy “đổi mới” của Đảng ta.

Trong những năm bắt đầu đổi mới, những nhà lãnh đạo như đồng chí Mai Chí Thọ đã góp phần quan trọng trong việc xác định và củng cố hướng đi đúng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, trong một giai đoạn khó khăn và phức tạp cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Đồng chí đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, trở thành công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và sự tin cậy của nhân dân.

“Nói thẳng, nói thật đã trở thành phong cách của đồng chí Mai Chí Thọ. Đồng chí vẫn luôn canh cánh những suy tư, trăn trở về việc nước, việc dân”, Đại tướng Lê Hồng Anh cho biết; đồng thời nhấn mạnh: “Nhớ Đại tướng Mai Chí Thọ, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn noi theo tấm gương sáng về phẩm chất Cộng sản chân chính của người chiến sĩ cách mạng nhiệt thành; nhà lãnh đạo chí tình của lực lượng Công an Việt Nam, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và trật tự, an toàn xã hội”.

Một nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn xa

Gắn bó máu thịt với vùng đất Nam Bộ, không chỉ đóng góp công lao vào chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Mai Chí Thọ với tầm nhìn chiến lược của mình đã tạo nền tảng tư duy đột phá vào đường lối ổn định, phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong giai đoạn khó khăn sau giải phóng.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, dù khi nắm giữ chức vụ hay đã nghỉ hưu, Đại tướng Mai Chí Thọ luôn chăm lo xây dựng phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cho cán bộ chiến sĩ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng.

“Cuộc đời Đại tướng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; một nhân cách với tấm lòng nhân đạo cao cả, yêu nước, thương dân, hết lòng, hết sức chăm lo cho khối đại đoàn kết dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân hiện thực hóa lý tưởng cộng sản cao đẹp vào trong cuộc sống”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.


Đại tướng Tô Lâm nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Đại tướng Mai Chí Thọ

Trong khi đó, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển TP.HCM, đồng chí Mai Chí Thọ là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt. Từ thực tiễn của TP.HCM đã lan tỏa ra nhiều nơi trên cả nước, góp phần quan trọng vào củng cố đường lối đổi mới của đất nước.

Khi trở thành người Bộ trưởng Công an trong giai đoạn đổi mới, đồng chí đã cùng với các cấp ủy, tập thể lãnh đạo Bộ Công an đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng để chỉ đạo toàn lực lượng công an thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, tô thắm truyền thống anh hùng của công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Trong những năm tháng cuối cuộc đời, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn luôn dành hết trí tuệ, công sức và tình cảm của mình cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh với tấm lòng nghĩ về dân. Hình ảnh chú Năm Xuân, ông Năm Xuân đã trở nên thân thiết đối với người dân TP.HCM bởi những đóng góp to lớn của đồng chí trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học và những hoạt động xã hội còn đọng lại trong lòng người dân.

Đại tướng Mai Chí Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Đống, còn có tên thường gọi là Nguyễn Xuân Mai với bí danh là Năm Xuân, sinh ngày 15-7-1922 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP.Nam Định), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, từ một thanh niên yêu nước, Đại tướng Mai Chí Thọ đã đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên và sớm bộc lộ phẩm chất của một người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân. 

Trên 70 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Mai Chí Thọ luôn có mặt ở những nơi ác liệt, khó khăn nhất, phức tạp nhất và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đại tướng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương “Vì an ninh tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của bạn bè quốc tế.

“Di sản của cố Bộ trưởng để lại khó mà kể hết được nhưng có thể nói đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân những gì đọng lại nhiều nhất đó là một nhân cách lớn, phẩm chất đạo đức trong sáng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, tính cách mạnh mẽ, khẳng khái, bộc trực nhưng đầy lòng nhân ái, vị tha, yêu thương con người, hết lòng vì hạnh phúc, bình yên của nhân dân”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM còn nhấn mạnh, bài học sâu sắc từ tấm gương của một chiến sĩ cách mạng, một đảng viên cộng sản kiên định, một tấm lòng, một tâm huyết của một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm và luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, qua đó góp thêm niềm tin, động lực cho cán bộ, đảng viên, các thế hệ nối tiếp học tập, noi theo.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)