Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đại tướng trong lòng dân đất Quảng

Tạp Chí Giáo Dục

Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn học sinh Lê Vũ Hoàng đừng ngủ say trong vòng “nguyệt quế” sau khi đoạt giải Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: TL
Trong tâm khảm của những người dân Quảng Bình, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi lần về thăm quê thật gần gũi, giản dị. Ông luôn ân cần thăm hỏi, động viên những người dân lam lũ vươn lên thoát nghèo, cũng như khuyến khích những nhân tài tuổi trẻ nỗ lực hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức. Với người dân đất Quảng nghèo khó, Đại tướng như một người cha ruột thịt…
Về làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), đi từ đầu làng đến cuối xóm, từ người già đến những cô cậu học trò quần xanh áo trắng ai nấy đều nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thân thương, gần gũi, kính trọng lẫn tự hào.
Người cha thân thương và gần gũi
Những năm sau đại thắng mùa xuân 1975, hai miền Nam Bắc về chung một nhà, người dân đất Quảng Bình vinh dự được nhiều lần đón Đại tướng về thăm. Mỗi lần nghe tin Đại tướng về quê, người dân dù bận bất cứ việc gì cũng gác lại chạy ra tận đầu đường làng đón Đại tướng. Với họ, đó như là một buổi đón người thân sau nhiều năm đi xa trở về chứ không đơn thuần là đón một vị lãnh đạo cao. Rồi sau mỗi lần tự hào được gặp Đại tướng, những người dân vất vả một nắng hai sương như có thêm động lực để vượt qua muôn vàn khó khăn, đối mặt với thiên tai bão lũ. Họ bảo, ở cái xứ này, ông trời lấy đi nhiều hơn cho lại họ nhưng nhân dân đã có một “tài sản” lớn ngang tầm thế giới: Đó là mỗi nỗ lực vươn lên của họ đều có sự động viên, dõi theo của Đại tướng.
Còn nhớ trong câu chuyện với chúng tôi nhân dịp kỉ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế – một người con gái từng vào sinh ra tử trên những cung đường chiến đấu khắp núi rừng Quảng Bình –  nói rằng: Sinh ra trong thời buổi đạn bom ly lạc, trải qua nhiều mất mát hy sinh nhưng tôi rất vinh dự và thật hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong tâm khảm của tôi, Đại tướng không chỉ là một vị Tổng tư lệnh mà còn là một người cha, người anh thân thương và gần gũi lắm. Lần tôi được gặp Đại tướng là tại Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1-1967. Lần đó cả Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Bộ Chính trị đã không cầm được nước mắt khi nghe tôi kể chuyện 45 ngày dưới mưa bom, bão đạn để san đường, phá bom và tìm xác đồng đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ân cần hỏi thăm tôi về sức khỏe, gia đình, tình hình quê nhà… Từ đó đến nay, tôi còn được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lần nào cũng vậy, Đại tướng đều ân cần hỏi thăm, động viên tôi vượt qua mọi khó khăn.
Khi còn khỏe, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng đều dành thời gian đi thăm những người nông dân gian khổ. Nhiều người dân Quảng Bình giờ đây đã thoát cảnh nghèo vẫn không quên được tình cảm của vị Đại tướng dành cho họ. Còn nhớ lần ra thăm vườn cây ven biển của mẹ Nghèng – một người mẹ nghèo quanh năm cuốc đất trồng cây chắn cát, chắn sóng cho dân làng – Đại tướng bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió Lào, nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!”. Rồi Đại tướng chia sẻ nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, ông rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng. Những cánh rừng phi lao và nhiều trang trại kinh tế khang trang được nhân lên sau mỗi lần Đại tướng về thăm quê.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Có lẽ trong suốt hành trình dài xây dựng sự nghiệp của mình, cậu học trò trường làng Lê Vũ Hoàng không bao giờ quên được tình cảm Đại tướng dành cho mình cùng lời dặn dò ân cần mà nghiêm khắc. Năm 2005, Lê Vũ Hoàng ở Trường Trung học Số 1 huyện Bố Trạch (Quảng Bình) giành được vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia toàn quốc. Ngay sau đó, Hoàng vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen và mời đến nhà để gặp mặt. Buổi gặp gỡ ấy, Đại tướng như một người ông, người thầy: “Cháu phải cố gắng! Lúc thành công thì mừng rồi, nhưng bác dặn là cháu không được ngủ say trên vòng nguyệt quế! Và không nên thỏa mãn. Vì bước đường còn dài. Mình làm được như thế nhưng thực ra mình đã làm gì cho đất nước đâu. Đất nước mình còn nghèo. Cháu nhớ không?”. Cùng với cái bắt tay thật chặt như trao gửi niềm tin. Trao gửi không chỉ cho riêng Vũ Hoàng mà còn là lời nhắn gửi cho bao thế hệ học trò nghèo xứ Quảng mà Đại tướng chưa có thời gian gặp gỡ…
Nhớ về Đại tướng, thầy giáo già Nguyễn Văn Bồi xúc động: “Năm 1974, tôi may mắn được nhận công tác giảng dạy ở Trường cấp 1, 2 xã Lộc Thủy. Tôi vinh dự được 3 lần dẫn học trò đến chào Đại tướng. Lần nào cũng vậy, Đại tướng ân cần dặn dò thầy trò chúng tôi phải giữ trọn đạo làm trò, làm thầy. Và hơn hết, là phải biết nỗ lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để học hành bởi biển tri thức vô tận. Mà con người cần phải chạm đến nó để sống làm người, để xây dựng quê hương. Đại tướng ân cần và gần gũi lắm. Lời dặn dò như niềm trăn trở, sẻ chia chứ không hề là mệnh lệnh của một vị lãnh đạo tối cao”.
Về với Lộc Thủy, nhắc đến Đại tướng trong lòng dân là một câu chuyện thật dài tưởng như không có hồi kết. Bởi với người dân nơi đây, Đại tướng vẫn sống mãi trong lòng mỗi người, hiện hữu trên từng thành quả của sự nỗ lực. Là niềm tin của họ dành cho cuộc sống tươi mới ở ngày mai. Không thể nói hết những tình cảm ấy, chỉ biết rằng, nhiều năm qua, Quảng Bình có rất nhiều người nông dân tài giỏi, mạnh dạn trong nếp nghĩ, cách làm, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt để làm giàu; nhiều học sinh Quảng Bình đã biết vượt khó, học giỏi, nhiều em đã thành những thủ khoa xuất sắc được nhắc đến như Phạm Thái Sơn, Lê Văn Lâm, Trần Xuân Hóa…
Vĩnh Yên – Phương Thùy
“Tôi đi khắp mọi miền đất nước, trên mọi tuyến chiến trường nhưng không phải vì thế mà tình cảm của mình kém sâu đậm. Hình ảnh dòng sông Kiến Giang hiền hòa, khung cảnh làng mạc thanh bình luôn hằn sâu trong tiềm thức. Chính quê hương và gia đình đã hun đúc nên nhân cách và quyết định con đường đi của tôi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với bà con Quảng Bình trong lần về thăm quê năm 2004.  
 

Bình luận (0)