Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đắk Lắk báo động nguy cơ hết voi trong 20 năm tới

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 40 năm, đến nay số voi nhà ở Đắk Lắk đã giảm 10 lần. Việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí và voi nhà hầu như không còn khả năng sinh sản. 

Tại buổi tọa đàm "Liên kết phát triển du lịch Đắk Lắk với cả nước", đại diện tỉnh này đề cập tình trạng voi nhà có nguy cơ bị xóa sổ trong vòng 20-30 năm tới. 

Là hình ảnh gắn liền với Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhưng số lượng voi nhà ở đây hiện nay còn chưa tới 50 con, trong khi năm 1975 là 500 con. Mặc dù tỉnh đã thành lập trung tâm bảo tồn voi nhưng suốt hai năm nay chương trình gặp khó khăn vì thiếu nguồn kinh phí. 

Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng không mấy mặn mà với việc để voi nghỉ ngơi và sinh sản vì như thế sẽ mất đi nguồn lợi nhuận chính. Chưa kể voi chỉ có thể sinh sản khi không có bóng dáng người. Do bị bắt khai thác du lịch quá nhiều, voi lại càng không thể giao phối. 

DSCN8932-JPG-4248-1437314768.jpg

Voi ở Đắk Lắk đang là nguồn lợi chính cho người dân. Ảnh: Thảo Nghi

Ông Phạm Tâm Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trăn trở: "Tỉnh Đắk Lắk cũng chưa biết làm thế nào nếu đàn voi sắp tới không còn nữa". 

Ông Cấn Đình Chính, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, cho biết: "Cả tỉnh Đắk Lắk hiện nay chỉ còn 41 con voi, tập trung ở Buôn Đôn và hồ Lắk, nhưng chúng cũng đã quá già. Voi ở đây thiếu hai thứ để sinh sản, là tình yêu và cơ sở để chăm sóc voi đúng cách". 

"Do nhà nước cấm săn bắt voi nên tôi đang nghĩ đến việc đề xuất xin phép bắt thêm một số lượng nhất định để đơn vị bảo tồn hỗ trợ sinh sản, hoặc có thể liên hệ nhập khẩu voi từ một số quốc gia khác nhằm duy trì thế mạnh của Đắk Lắk", ông Đình Chính nêu quan điểm nhằm giữ đàn voi sao cho vừa khai thác du lịch, vừa bảo tồn và sinh sản.

Buổi tọa đàm được tổ chức trong chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cho khu vực Tây Nguyên – Nam Trung Bộ từ ngày 11 đến 18/7.

 

Theo Thảo Nghi/ VNE

Bình luận (0)