Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đăk Lăk: Dân nuôi đặc sản rừng lo ế

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Thời gian gần đây ở tỉnh Đăk Lăk nổi lên phong trào nuôi động vật rừng. Các chủ trang trại đều cho rằng nuôi thú quý là nghề mới lạ, nhiều niềm vui, có thể thu lãi lớn, tuy nhiên cũng phải đối mặt với không ít rủi ro…

Ông Hoàng Mạnh Cường đã đầu tư hàng tỷ đồng để gây dựng trang trại nuôi động vật rừng.

Nhà nhà nuôi đặc sản
Trong số 272 đơn vị đăng ký nuôi động vật rừng của tỉnh Đăk Lăk thì có đến 235 hộ nuôi nai tại xã Cư Ebuar, thành phố Buôn Ma Thuột. Mỗi hộ nuôi một vài con, nhà nhiều nhất có 7 con.
Di cư từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây làm kinh tế mới, người dân mang theo hươu nai, ban đầu chỉ là mấy con, dần dần đàn nai đã sinh sôi nảy nở. Số hộ nuôi nai trong xã cứ tăng lên mỗi khi có con cái nhà ai lấy vợ lấy chồng ra ở riêng, cha mẹ tặng cho một vài con nai. Qua nhiều thế hệ phân chia như thế, tới nay đàn nai của xã đã hơn 1.200 con.
Ông Trần Trọng Khánh, thôn phó thôn 2, xã Cư Ebuar cho biết: Nuôi nai dễ lắm, người già, trẻ con cũng chăm được, thức ăn cho chúng lại dễ kiếm.
Ngoài hàng trăm hộ nuôi nai, thành phố Buôn Ma Thuột nổi lên nhiều hộ nuôi các động vật khác như rắn, kỳ đà, nhím, rùa… Một số trang trại lớn làm ăn hiệu quả. Như liên minh heo rừng Tây Nguyên tại huyện Ea Kar mới ra mắt đã xuất bán hàng ngàn heo giống và heo thịt.
Trang trại của ông Hoàng Mạnh Cường tại đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Buôn Ma Thuột nuôi hơn 1.500 con gồm: rắn, kỳ đà, chồn hương, rùa… Trang trại nuôi nhím, heo rừng của Tổ hợp tác xã Quyết Thắng huyện Ea H’Leo cũng ăn nên làm ra.
Ông Cường cho biết: “Người trong và ngoài tỉnh tìm tới đây mua giống nhiều nhưng ít ai nuôi được lâu dài, cách tốt nhất là đầu tư từng bước chắc chắn, nuôi từ dễ đến khó”.
Qua nhiều năm đầu tư gây dựng, trang trại của ông Cường đã bắt đầu cho thu lãi, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ việc xuất bán giống, lợi nhuận từ việc nuôi chồn hương làm cà phê chồn hơn 150 triệu đồng/năm.
Tuy vậy, ông vẫn lo lắng vì từ khi gây dựng tới nay gia đình ông đã đầu tư tới hàng tỷ đồng, đã xuất bán giống được mấy năm nay, nhưng e rằng khi chưa thu hồi đủ vốn ban đầu thì nguồn giống sẽ bão hòa. Khi đó, ngoài rắn có thể xuất khẩu, chồn hương làm cà phê chồn thì nhiều con khác phải chuyển sang nuôi bán thương phẩm, mất giá.
Cần liên kết để tạo thương hiệu
Đối với dân xã Cư Ebuar, nuôi nai rất dễ.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài mô hình liên kết nuôi động vật rừng như Liên minh heo rừng Tây Nguyên tại huyện Ea Kar, Tổ hợp tác Quyết Thắng nuôi nhím, heo rừng tại huyện Ea H’Leo… nhưng ngoài những số ít đó ra, hàng trăm hộ nuôi khác vẫn đang hoạt động tự phát nhỏ lẻ.
Các chủ nuôi lớn lo ngại nhất là sự phát triển ồ ạt, tự phát, không đảm bảo chất lượng sẽ làm nhiễu loạn thị trường. Rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân phát triển nghề nuôi động vật quý hiếm, giúp họ thành lập tổ chức liên kết các hộ chăn nuôi nhằm giúp nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật, về giống để đảm bảo chất lượng, tạo thương hiệu, xây dựng thị trường ổn định bền vững.
Ngọc Việt / Tien Phong

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)