Với những tiềm năng, lợi thế vốn có, tỉnh Đắk Nông mong muốn kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tới làm ăn với cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Nông thường xuyên tham gia, tổ chức các chương trình, hội nghị giới thiệu tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư. Tại buổi tọa đàm trực tuyến giữa Đoàn Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2021-2024 với các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên ngày 17-11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, tiếp tục giới thiệu và kêu gọi đầu tư.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các tỉnh đã trao đổi, đề xuất Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Tổng lãnh sự tiếp tục tăng cường hỗ trợ trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác, nhất là giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng đầu tư vào các lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá cao về tầm quan trọng của buổi tọa đàm, nhất là thời điểm đang quyết liệt phòng chống dịch Covid-19. Đối với tỉnh nhỏ như Đắk Nông thì đây là cơ hội quảng bá, kêu gọi đầu tư quý báu.
Núi lửa Nâm Kar nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Theo ông Mười, Đắk Nông xác định 3 mũi nhọn chính mà tỉnh đang tập trung thực hiện là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Đắk Nông đang rất cần sự quan tâm, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển công nghiệp khoáng sản. Trữ lượng Alumin của cả nước đứng top 3 thế giới, riêng Đắk Nông chiếm tới 60%. Nếu được các cấp lãnh đạo Trung ương quan tâm, ủng hộ thì trong tương lai, đây là khu vực khai thác, chế biến sâu, là cơ hội rất tốt để Đắk Nông cất cánh.
Lĩnh vực thứ 2 là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo mà Đắk Nông đang kêu gọi thu hút đầu tư. Với số giờ nắng trong năm lớn, bức xạ nhiệt được đánh giá tương đương với Ninh Thuận và Bình Thuận, diện tích mặt nước nhiều là cơ hội lớn để làm điện mặt trời.
Đối với nông nghiệp công nghệ cao, Đắk Nông có diện tích đất đai lớn với 650.000 ha đất. Với nguồn đất đỏ bazan sạch, loại cây nào cũng trồng được và nhiều loại cho chất lượng rất tốt. Khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 25 đến 26 độ C, nguồn nước ngọt dồi dào. Quãng đường vận chuyển nông sản từ Đắk Nông đến TP HCM rất gần, chỉ hơn 200km. Đắk Nông đã hình thành được nhiều sản phẩm nông nghiệp như bơ, sầu riêng, khoai lang Nhật Bản có chất lượng rất cao.
Đối với lĩnh vực du lịch, với khí hậu mát mẻ, Đắk Nông đang có lợi thế về phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, Đắk Nông có 2 điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu vừa được UNESCO công nhận và khu bảo tồn hồ Tà Đùng với khoảng 25.000 ha được ví như "Hạ Long trên cạn"…
"Hiện nay việc đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh còn ít, chỉ mới có 7 dự án. Do đó, qua buổi tọa đàm, tỉnh mong muốn các Đại sứ, Tổng lãnh sự kết nối giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế để mời chào, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Đắk Nông. Tỉnh luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư" – ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Hàng loạt dự án đang chờ nhà đầu tư
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, trong đó tỉnh Đắk Nông có 5 dự án.
Cụ thể, dự án đường sắt Chơn Thành (Bình Phước) – Đắk Nông với tổng vốn đầu tư là 715 triệu USD, dự án Trung tâm logistics hạng II (Đắk R’lấp) với tổng mức đầu tư khoảng 43 triệu USD, dự án Nhà máy điện gió (Tuy Đức) với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD, dự án Nhà máy điện mặt trời (Krông Nô) với tổng mức đầu tư 520 triệu USD và dự án Nhà máy sản xuất cấp điện, thiết bị điện năng lượng tái tạo (Đắk R’lấp) với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông phê duyệt danh mục đầu tư gần 100 dự án trong giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó, 40 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, du lịch và hạ tầng đô thị; 20 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; 19 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và 16 dự án thuộc lĩnh vực xã hội hoá.
Hồ Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long" trên Tây Nguyên
Lãnh đạo Đắk Nông nhìn thẳng vào thực tế cho rằng trong những năm qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thậm chí sẵn sàng "trải thảm đỏ" nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh vẫn chưa có sự bứt phá. Nguyên nhân về mặt chủ quan là do các sở, ban, ngành, địa phương vẫn chưa có sự phối hợp tốt trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Những bất cập, hạn chế trong chính sách, vướng mắc đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư đã được nhận diện nhưng thực tế chưa được tháo gỡ kịp thời.
Với quan điểm nhất quán, tỉnh Đắk Nông luôn khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đắk Nông luôn sẵn sàng "trải thảm đỏ" mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi đến địa bàn tỉnh làm ăn. Tỉnh luôn trân trọng, sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, lâu dài.
Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khí hậu Đắk Nông ôn hòa, mát mẻ, mang đậm nét của một vùng cao nguyên nhiệt đới gió mùa và chia làm 2 mùa rõ rệt. Đắk Nông nằm ở độ cao trung bình 600 – 800m so với mực nước biển, địa hình đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao.
|
Bảo An (theo NLĐ)
Bình luận (0)