Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đắklắc: Gia đình nghèo có 5 anh em học đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Là con thứ năm trong một gia đình có truyền thống hiếu học, em Trần Hòa ở thôn 2 Xã Hòa phong – Krông Bông cũng là người con út vừa đậu đại học Khoa Sư phạm Toán trường Đại học Tây nguyên, khóa 2013 – 2017.  

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang còn thơm mùi sơn, vợ chồng ông Trần Tặng và bà Hoàng thị Huệ vừa vui mừng, vừa xúc động cho biết: “Sau bao năm vất vả nuôi con ăn học, giờ đây vợ chồng ông mới tạm thoát cảnh “gạo chợ nước sông”, ngôi nhà này phần lớn là đóng góp từ thành quả của các con mới xây dựng nên…”
Vợ chồng ông cưới nhau từ năm 1986, qua 4 lần sinh hạ được 4 trai, 1 gái, gia đình làm nông nhưng chỉ có 8.000m2 đất màu, nên nguồn thu nhập không đáng kể, những khi mùa màng thất bát gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, mọi sinh hoạt của 7 con người chỉ trông vào đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ.
Cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn khi năm 2005,  2 anh em đầu song sinh Trần Tuấn và Trần Việt cùng thi đỗ vào 2 trường Đại học danh tiếng của TP.HCM (Đại học Ngân hàng và Đại học Kinh tế).

Gia đình ông Tặng, bà Huệ

Dù “thắt lưng buộc bụng” nhưng vì gia cảnh đông con nên vợ chồng ông vẫn phải chạy ăn từng bữa, về phần 2 anh em Tuấn, Việt, suốt 4 năm học xa nhà ngoài giờ lên giảng đường, 2 em còn đi làm thêm để có tiền trang trải những nhu cầu cần thiết.
Năm 2006, người con thứ ba Trần Xin sau khi tốt nghiệp THPT, đành tạm gác ước mơ của mình, ở nhà làm thuê phụ giúp cha mẹ để 2 anh yên tâm học tập.
Thông cảm cho hoàn cảnh gia đình của ông, Ban giám hiệu nhà trường đã sắp xếp cho vợ ông được dạy vào buổi chiều, để có thời gian buôn bán kiếm thêm thu nhập, hàng ngày bà Huệ đã phải thức dậy từ 3 giờ sáng, vượt đường xa 15 cây số, mua rau quả về bán dạo cho người dân trong vùng, sau những bữa cơm trưa vội vã, bà tiếp tục đến trường dạy học, tối về lại phải thức khuya soạn giáo án, công việc vất vả nhưng năm nào bà cũng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, có lẽ đây cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho các con của bà vững tin trên bước đường đi tìm tri thức. Có lẽ bằng chính tình thương yêu và sự động viên ấy của mẹ, người con thứ ba trở lại chinh phục ước mơ giảng đường đại học và năm 2008 đã trúng tuyển vào hệ cao đẳng khoa Công nghệ thông tin Đại học Đà lạt.
Không phụ lòng cha mẹ, các con của bà đều siêng năng học hành, cả 5 anh em đều là học sinh, sinh viên khá, giỏi.
Bà Hoàng thị Huệ chia sẻ: “Dù cực nhọc bao nhiêu vợ chồng tôi cũng chịu đựng được, chỉ mong sao các con của tôi không ai phải bỏ học giữa chừng…”
Nối tiếp 3 người anh, người con gái thứ tư Trần thị Hồng cũng chẳng kém gì khi 2009 thi đỗ vào Đại học Ngân hàng TP.HCM. Với ý chí và nghị lực, em vừa học, vừa làm gia sư để có thu nhập trang trải mọi sinh hoạt của mình, bớt một phần gánh nặng cho cha mẹ. Đến nay, 3 người con lớn đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định, hiện tại Trần Tuấn công tác tại Ngân hàng Á Châu TP.HCM, Trần Việt là nhân viên kinh doanh Công ty cổ phần Tân Thanh, còn Trần Xin công tác tại Công ty viễn thông Đà Lạt.
Năm 2013 niềm vui lại được nhân đôi, người con gái thứ tư đã hoàn thành chương trình Đại học với tấm bằng khá (điểm toàn khóa 7,8). Sau đó là tin con trai út Trần Hòa đậu đại học vào Khoa Sư phạm Toán và Khoa Y trường Đại học Tây Nguyên, cả 2 khối em đều đạt số điểm 21,5 (chưa tính điểm ưu tiên). Mặc dù vậy, tin đậu đại học của Trần Hòa cũng không quá bất ngờ với gia đình người thân vì 12 năm liền Hòa vốn là học sinh khá, giỏi và trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh giải toán trên máy tính cầm tay lớp 12 vừa qua em cũng đã xuất sắc giành được giải ba.
Như vậy, tám năm trôi qua 5 anh em đã lần lượt dắt nhau bước vào giảng đường Đại học, còn ông Tặng thì thay vợ tiếp tục hàng ngày rong duỗi mưu sinh bằng nghề bán cá, để cho bà Huệ được yên tâm với sự nghiệp “trồng người”.
Quả là một niềm vinh dự lớn lao, tháng 4/2013 vừa qua, gia đình ông bà là một trong 5 gia đình hiếu học của Huyện Krông Bông được mời về tham dự Đại hội Gia đình hiếu học tỉnh Dăklăk lần thứ III.

                                                                              Mai Viết Tăng

 

Bình luận (0)