Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Dallas, 48 năm sau…

Tạp Chí Giáo Dục

Du khách thích chụp hình với đàn bò (bằng đồng) từ công viên tượng bò như đang đi vào trung tâm thành phố

Dallas được cả thế giới biết đến sau cái chết của vị Tổng thống thứ 35 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ John F.Kennedy. Ông bị ám sát vào trưa ngày 22 tháng 11 năm 1963, cách đây tròn 48 năm. Lịch sử nước Mỹ và một phần của thế giới chắc khác hơn nếu như ông không bị hai phát súng xuất phát từ tầng 6 của Kho sách giáo khoa Texas, trong đó có một phát định mệnh trúng vào đầu. Tôi có dịp đến thăm Dallas, bước đi trên đại lộ Elm – nơi ông gục xuống, và nghĩ về thân phận con người…
Sau 6 giờ bay từ TP.HCM đến Narita (Tokyo, Nhật Bản) vào một đêm đầu tháng 11, bây giờ phi trường dần dần hiện ra trong cảnh bình minh với những tia nắng ấm xuyên qua cửa máy bay đang từ từ đáp xuống đường băng. Chờ ở đó 4 tiếng rồi lên máy bay của hãng American Airlines đi tiếp khoảng hơn 10 giờ bay nữa mới đến Dallas, thành phố lớn nhất của bang Texas, và là một trong những thành phố tiếng tăm của Hoa Kỳ.

Kho sách giáo khoa Texas được tân tạo như 48 năm trước

Cũng như sân bay Narita, sân bay quốc tế Dallas thật to lớn và hiện đại. Mùa này thời tiết ở đây lạnh giá. Tuy đã mặc áo ấm trước khi ra khỏi máy bay, nhưng sao gió và rét cứ táp vào mặt, lòn vào cổ. Cả nhà chị vợ tôi đến tận cửa hải quan sân bay để đón, tay cầm sẵn áo ấm “đặc chủng” và ép chúng tôi phải mặc vào. Hai gia đình gặp nhau, mừng vui khôn xiết. Hơn tháng trước, vợ chồng tôi cũng chưa nghĩ là mình có thể đặt chân lên đất Mỹ, vì chưa dự tính. Nhưng nay, sau một đêm bay trên trời – vì múi giờ ở Mỹ sau Việt Nam – tôi và bà xã đã ở Dallas, cách quê hương nửa vòng trái đất. Cảm giác thật lạ lùng!
Đường từ phi trường về nhà gia đình bà chị ở khu Garland, ngoại ô phía Đông Bắc của Dallas –  thoáng đãng, rộng lớn, xe cộ nườm nượp và lao vùn vụt với vận tốc không dưới 100km/h, vô số cầu vượt và không hề ách tắc, không nghe tiếng xe, tiếng còi và không bụi bặm…

Quảng trường trung tâm Dallas hiện tại

Dallas hiện ra trong mắt du khách với hệ thống đường giao thông hiện đại chằng chịt nối liền các khu công nghiệp và các khu dân cư. Khu dân cư nào cũng thật yên tĩnh, mát mẻ, nhà nào cũng có khu vườn riêng cách biệt hàng xóm. Đường phố ở các khu dân cư thật sạch, rất nhiều cây xanh, thảm cỏ, không thấy bóng người và súc vật ngoài đường, thỉnh thoảng mới thấy xe chạy qua. Rất nhiều sân banh, bãi tập, công viên hiện ra trên đường đi. Trường học nào cũng có sân chơi rộng lớn, rất nhiều cây xanh. Không khí ở đây trong lành, tĩnh mịch.
Trung tâm Dallas, người ta gọi là Downtown, là một trong những thành phố hiện đại của nước Mỹ, nhiều nhà cao tầng, đường phố sạch đẹp. Nơi đây tập trung hầu hết các cơ quan hành chính của thành phố, các loại bảo tàng lịch sử, văn hóa và nghệ thuật; một số khu thương mại, dịch vụ, nhưng không nhiều…

Bảo tàng lịch sử Dallas – một kiến trúc cổ được bảo tồn

Dallas được cả nước Mỹ và thế giới biết nhiều hơn từ sự kiện Tổng thống trẻ nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ John F.Kennedy bị ám sát. Chuyện kể: 12h30 trưa ngày 22 tháng 11 năm 1963; khi chiếc xe mui trần của Tổng thống và đệ nhất phu nhân cùng đoàn  mô tô hộ tống đi qua Dealy Plaza, quảng trường trung tâm Dallas để tiến đến Dallas Trade Mart (khu thương mại Dallas) dùng cơm và đọc một bài diễn văn vận động cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ vào năm sau. Lee Harvey Oswald đã núp sẵn ở tầng 6 Texas school book depository (Kho sách giáo khoa Texas) với cây súng chuyên bắn tỉa. Phát súng định mệnh mà động cơ vẫn còn là ẩn số đã chấm dứt cuộc đời vị tổng thống được người Mỹ đánh giá là tài hoa và vô cùng yêu mến. Nếu ông tại vị lâu hơn, lịch sử nước Mỹ chắc khác hơn những gì đã diễn ra.
Dallas bây giờ được xây dựng mới với vô số building hiện đại nhưng các di tích cũ có liên quan đến sự kiện Kennedy bị ám sát đều được trùng tu, tôn tạo. Kho sách giáo khoa Texas vẫn giữ nguyên hiện trạng như năm nào.

Tượng anh chàng cao bồi lãng tử

Chúng tôi thả bộ trong công viên vườn tượng “cao bồi”, người chăn bò (cowboy). Bò, ngựa và người chăn bò được xem là “đặc sản” tiêu biểu của Texas. Có đến gần trăm con bò, ngựa và các chàng cowboy cao to hơn thật được làm bằng đồng, rỗng bên trong. Cạnh công viên có một thác nước nhân tạo với tiếng nước chảy ầm ào.
Khách du lịch đến Dallas thường để thăm người thân, nơi này không có nhiều danh lam thắng cảnh, mà tập trung nhiều khu công nghiệp, khu thương mại. Dallas có siêu thị của người Việt, người Hoa… Bạn cần thứ gì ở Việt Nam, nơi đây đều có. Hàng hóa, thực phẩm Việt Nam không thiếu, lại có phần phong phú và chất lượng hơn. Người Việt ở Dallas khá đông, phần lớn đều có công ăn việc làm, sống tốt. Tuy hình thành chậm hơn so với cộng đồng người Hoa, người Mễ… nhưng cộng đồng người Việt ở Dallas khá mạnh và nhiều thành đạt.

Mặt tiền Khu thương mại của người Việt

Một tối thứ bảy, gia đình chị Minh đưa chúng tôi đi coi đấu bò ở Fort Worth. Fort Worth cũng là một thành phố lớn của Texas nằm gần kề Dallas. Trước đây Fort Worth nổi tiếng với các trại nuôi bò và đấu bò. Các buổi thi đấu bò thường tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần. Các tiết mục quảng cáo và mở đầu trận đấu được phô diễn hấp dẫn, lôi cuốn. Các thí sinh trong vai người chăn bò cưỡi ngựa ném dây bắt bò; hoặc cưỡi trên lưng bò khuất phục nó càng lâu thì càng được nhiều điểm… Đại diện vùng này thi đấu với vùng kia. Trận đấu được cổ vũ bằng tiếng hò reo, gào thét. Xen kẽ là nhiều tiết mục hát nhảy bốc lửa… Hôm chúng tôi tới xem, khán đài đầy ắp người, thích nhất là trẻ em. Trong số nhiều tiết mục trình diễn, có tiết mục cho trẻ em tham gia bắt bò. Chương trình đấu bò mỗi tối thứ bảy ở Fort Worth thu hút rất đông người xem, cũng nhằm ôn lại một hoạt động có tính truyền thống mà người dân Texas đã từng trải qua trước đây.

Tác giả và bà xã bên trong Khu thương mại Sài Gòn ở Dallas

 
Tuy đã rời xa Dallas, nhưng trong tôi vẫn còn đậm những kỷ niệm khó quên về cảnh vật, con người nơi đây…
Bài, ảnh: Nghiêm Ý

 

Bình luận (0)