Tình trạng giá cả thi nhau tăng nhưng học phí của học sinh cũng như lương của thầy cô giáo thì vẫn giậm chân tại chỗ, phân tích chi li sẽ thấy đây là nguyên nhân dẫn đến phần quà sáng của các em đang tóp lại, bữa cơm nhà giáo vốn đã đơn sơ, đạm bạc thì bây giờ sẽ nhiều “sơ” hơn “đạm”. Muốn cải thiện bữa ăn gia đình, thầy cô giáo – bằng cái nghề chân chính – đang tìm cách thay thế “sơ” bằng “đạm”, thế nhưng ẩn chứa trong “đạm” vẫn có “bạc”.
Vừa rồi, trên phương tiện truyền thông, có bạn đọc nêu lên “hiện nay tình trạng phân biệt môn chính và môn phụ trong nhà trường có liên quan đến đời sống nhà giáo”, tôi nghĩ đó chỉ là cách nói. Mỗi thí sinh thi vào trường sư phạm theo bộ môn và ứng với điểm tuyển thích hợp để học ra làm giáo viên. Xã hội đã không nghĩ rằng có môn chính, môn phụ thì người trong nghề cũng đừng qua đó mà có sự phân biệt. Trong trường nếu có môn nhạc, họa, thể dục thì cũng là góp phần giáo dục con người toàn diện. Học sinh khi đã phát triển năng khiếu đến độ chín thì làm ca sĩ cũng kiếm tiền tỉ như ai. Có thầy cô giáo nào chứng nhận những ngôi sao ca nhạc hiện nay giỏi toán hoặc văn khi còn ngồi trên ghế nhà trường?
Sự thành đạt của một con người không nhất thiết phải là học sinh giỏi dưới mái trường, nếu có thì đó chỉ là điều kiện đủ để làm hành trang cho họ tiếp bước vào đời. Chính Edison – nhà phát minh ra bóng đèn điện – cũng có niềm say mê riêng khi đi học và cũng không là học sinh giỏi; ông trùm Microsoft – Bill Gate – cũng bỏ ngang đại học để đi theo niềm đam mê công nghệ thông tin…
Với đồng nghiệp, theo tôi, chúng ta không nên phân biệt môn chính, môn phụ; với học sinh lại càng không nên biến mình thành con gà chọi chắp cựa học thêm. Sự thành đạt ở mỗi con người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không nhất thiết là bằng cấp.
Học đường vốn đã có truyền thống thanh bạch, cho dù cuộc sống dẫu có thế nào. Hy vọng với biến động giá cả vừa qua sẽ không làm giảm độ “đạm” của những người quen với “rừng nhu biển thánh”.
Tuệ Hải
Bình luận (0)