Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đảm bảo an toàn cho học sinh: Cần phải chung tay, góp sức

Tạp Chí Giáo Dục

 

Các em HS Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8) tan học
Khống chế trẻ làm con tin, dụ dỗ học sinh (HS) uống thuốc có chất gây ảo giác, phụ huynh (PH) bị kẻ xấu làm hại ngay trước cổng trường… Đó là những vụ việc đã xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố khiến nhiều người lo lắng, bất an.
Trong khi đó, nhà trường rất khó kiểm soát được tình hình an ninh trước cổng trường bởi các vụ việc xảy ra rất bất ngờ, nhanh chóng.
HS – đối tượng dễ bị dụ dỗ
Các vụ việc xảy ra gần đây nhất có thể kể đến: Một nhóm HS nữ Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (Q.4, TP.HCM) bị nhóm người xấu dụ dỗ uống thuốc Recotus gây ảo giác. Trước đó, tại Trường TH Tân Tạo A (Q.Bình Tân) có hai PH bị kẻ lạ mặt cứa cổ khi đang đứng đón con… Chị Trần Khánh Vy – PH có con học tại Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) – tâm sự: “Tôi luôn nghĩ rằng tại cổng trường học không thể xảy ra những sự việc trên vì ít nhất đây cũng là môi trường giáo dục, đông người và có cả bảo vệ. Trước đây có những lúc tôi đón con muộn nhưng sau một số vụ việc xảy ra, tôi phải đi đón con đúng giờ hơn, như thế sẽ tránh được nhiều tình huống bất ngờ mà mình không nghĩ tới”.
Theo cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường TH Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh), khu vực cổng trường học không phải là nơi lúc nào cũng yên bình. Vài năm trước ở Trường TH Bế Văn Đàn cũng có nhóm người xấu hay tụ tập, trong đó có cả thành phần là cựu HS. Sản phẩm bỏ lại của nhóm người này thường là những ống kim tiêm. Nay không còn nhưng nhà trường vẫn luôn trong tâm thế cảnh giác, đề phòng. Và tình trạng này có thể diễn ra ở bất kỳ trường nào.
Các vụ việc xảy ra gần đây rất bất ngờ, chóng vánh, ngoài tầm kiểm soát khiến nhà trường khó ứng phó kịp thời. Đối tượng gây án là những thành phần bất hảo ở độ tuổi thanh thiếu niên sống trong gia đình không hạnh phúc, bỏ học, đua đòi ăn chơi với những kẻ xấu, những người không có việc làm… Một trong những lý do để các đối tượng xấu hướng đến trường học là bởi HS là đối tượng dễ dụ dỗ nhất.
Thầy Nguyễn Bá Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), nhận xét: “Với HS, đặc biệt là những em học THCS và THPT, ý thức các em đã lớn, đủ để nhận biết được việc kẻ xấu dụ dỗ. Ngược lại, ở lứa tuổi TH, các em rất tò mò, thường thích thú khám phá nên khó tránh được cám dỗ từ bên ngoài xã hội tác động vào. Ngay đến việc dùng thuốc Recotus có chất gây ảo giác, ảnh hưởng đến thần kinh nhưng các em vẫn dùng. Vài năm trước chúng tôi phát hiện có HS mua 6 vỉ thuốc mang vào lớp. Sau khi điều tra thì được biết các em rủ nhau cùng mua uống để tránh áp lực trong tiết học. Sự việc không đơn giản dừng lại ở đây, nếu có trường hợp kẻ xấu đưa ma túy thì tác hại sẽ như thế nào?”.
Tăng cường phối hợp với cơ quan công an
Để bảo đảm an ninh trước cổng trường, đặc biệt là cho HS, hiện nay các trường tăng cường phối hợp với đội trật tự trong khu vực địa phương. Theo đó, đầu giờ vào lớp và cuối giờ ra về có hai nhân viên trong đội trật tự đến trường tham gia giám sát, bảo vệ. Nếu có nghi vấn sự việc xấu thì lực lượng này chung tay với bảo vệ trường can thiệp. Qua đó tình trạng lộn xộn, kẹt xe trước cổng trường đã giảm nhiều, các em HS được đảm bảo an toàn hơn. Để công tác này đạt hiệu quả hơn, thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ chi), cho biết: “Yếu tố hết sức quan trọng là sự nhanh nhạy, kịp thời. Bản thân nhà trường khi phát hiện nghi vấn có kẻ xấu lảng vảng quanh khu vực trường thì cần thông báo cho lực lượng công an địa phương để nhanh chóng nắm bắt, can thiệp ngay”.
Tại các trường TH Bế Văn Đàn, Hà Huy Tập… đã làm tốt việc phối hợp với đội trật tự trong phường. Riêng Trường TH Bế Văn Đàn, để đảm bảo an toàn cho HS, nhà trường còn kiểm soát chặt chẽ việc PH hay khách đến liên hệ công việc bằng cách phát thẻ với các màu khác nhau để PH và khách đeo vào cổ. Căn cứ vào đây, Ban giám hiệu và nhân viên nhà trường dễ nhận biết để làm việc. Riêng trường hợp đón con, chỉ người thân mới được phép đón. Người lạ đến đón thay phải chứng minh được mình là người thân và bản thân HS cũng phải biết mặt. Cô Đoan Trang cho biết: “Ở trường từng xảy ra trường hợp HS có bố mẹ ly hôn, em ở riêng với ông bà, ông bà không đi đón cháu mà là người khác đi thay mà em HS không biết mặt. Để tránh xảy ra sự cố, đề phòng bất trắc, trường phải siết chặt khâu này”.
Bên cạnh đó, các trường còn thường xuyên đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sống, nhắc nhở HS nên cảnh giác, đề phòng kẻ xấu.
Thầy Nguyễn Bá Hoàng cho biết: “Khi có sự việc xấu xảy ra, trách nhiệm liên đới cả nhà trường – gia đình – xã hội. Có một điều khá buồn là khi có việc gì xảy ra, một số PH cho rằng trách nhiệm thuộc về nhà trường. Thực tế giáo viên có trách nhiệm dạy chữ là chính, chứ không thể đứng ra giải quyết, quản lý hết các thành phần xấu ngoài xã hội. Nếu sự việc xảy ra trong sân trường thì nhà trường chịu trách nhiệm; khi ra ngoài xã hội thì nhà trường khó kiểm soát được hết việc HS quan hệ với nhóm đối tượng xấu nào. Vì thế, để đảm bảo an ninh, an toàn cho các em thì cần đến sự chung tay cả gia đình, nhà trường và xã hội. Xã hội có trách nhiệm quản lý chặt chẽ tình hình an ninh khu vực. Gia đình cũng thường xuyên quan tâm, nhắc nhở con cái hơn nữa việc cảnh giác nhóm người xấu, đề phòng bất trắc”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Vừa rồi Sở GD-ĐT đã có công văn gửi Công an TP.HCM đề nghị có sự phối hợp tăng cường giám sát an ninh trước cổng trường. Về phía nhà trường cũng cần có trách nhiệm phối hợp với lực lượng công an địa phương. Khi có thông tin đối tượng lạ mặt, kẻ xấu lảng vảng, tập trung trước khu vực cổng trường… cần thông báo ngay đến lực lượng công an để cùng can thiệp”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)