Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh chở vượt quá số người qui định, gây nguy hiểm đến tính mạng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện có tới 40% trẻ em tử vong ở độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi tại các nước đang phát triển là do tai nạn thương tích và hàng năm có tới 20.000 trẻ em ở những nước này bị tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), chết đuối, ngã, bỏng và các tai nạn khác.
Báo động tai nạn giao thông ở trẻ em
Các số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho thấy tổn thất về vật chất do TNGT xảy ra ở Việt Nam năm 2006 là khoảng 900 triệu USD. Năm 2007 cả nước xảy ra 13.985 vụ TNGT đường bộ, chết 12.800 người, bị thương nặng 10.266 người, thiệt hại về vật chất khoảng gần 1 tỷ USD, chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 0,17% thiệt hại về vật chất do TNGT gây ra trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê nào phân tích chính xác về TNGT có liên quan đến trẻ em, nhưng cùng với sự gia tăng của TNGT nói chung, TNGT có liên quan đến trẻ em cũng gia tăng ở mức nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 27 ngàn trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích (bình quân mỗi ngày chúng ta mất đi 74 trẻ em), đáng chú ý trong tai nạn thương tích thì TNGT luôn gia tăng và đứng hàng đầu. Thanh thiếu niên Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm khoảng 20% dân số, nhưng lứa tuổi này lại là nạn nhân của 40% tổng số các TNGT nghiêm trọng. Năm 1999 có 1.994/7.688 trẻ em bị TNGT vào cấp cứu tại bệnh viện thì năm 2000 con số này là 1.222/4.020 em, chiếm 33,3% tổng số người bị TNGT vào bệnh viện. Theo Trung tâm Điều tra thương tích Việt Nam, năm 2004 cả nước có 4.000 trẻ em chết và 794 trẻ em bị thương tích do TNGT, phần lớn các em bị tử vong ở độ tuổi từ 1 đến 9 tuổi và tai nạn xảy ra khi các em đang đi bộ hoặc qua đường. Năm 2007, theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, cả nước có gần 4.200 trẻ em bị thiệt mạng và hơn 7.000 em bị chấn thương do TNGT. Nhiều vụ TNGT có liên quan đến trẻ em xảy ra nghiêm trọng và đau lòng, điển hình: ba em học sinh tiểu học là Lý Minh Hiển (SN 2000), Huỳnh Sương (SN 1999) và Huỳnh Xưa (SN 1993) đi xe đạp trên quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bị xe ô tô khách mang biển kiểm soát (BKS) 65K-3217 lưu hành cùng chiều chạy tốc độ cao đâm phải làm 3 em bị tử nạn; cách đó không lâu tại bến đò ngang sông Lam (thuộc xã Lãng Khê, Con Cuông, Nghệ An) chiếc đò chở hơn 30 học sinh đi học qua sông bị chìm làm 19 em học sinh THCS thiệt mạng; vụ TNGT tại Km1754 quốc lộ 1A (thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận), tai nạn thảm khốc xảy ra giữa xe ô tô khách BKS 17K-7679 và xe tải container BKS 79K-5941 làm 14 người chết, hơn 20 người bị thương, trong số nạn nhân này có khoảng 10 trẻ em. Đáng chú ý, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 có tới 84 thí sinh bị TNGT không thể dự thi.
Những nguyên nhân dẫn đến tai nạn
Qua phân tích các vụ TNGT có liên quan đến trẻ em cho thấy, ngoài việc người lớn điều khiển xe ô tô, xe gắn máy, xe thô sơ không chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông gây tai nạn cho các em thì chính các em cũng là thủ phạm gây nên TNGT. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng TNGT ở trẻ em là do sự hiểu biết còn hạn chế về an toàn giao thông đường bộ; hạn chế về quy định giao thông; hạn chế về các hành vi lái xe an toàn; việc chấp hành đội mũ bảo hiểm chỉ mang hình thức đối phó… Các em thường đi dưới lòng, lề đường; đi hoặc chạy qua đường không chú ý quan sát xe cộ; trèo qua dải phân cách; qua đường nơi có tín hiệu đèn và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường khi chưa có tín hiệu cho phép, qua đường không đúng nơi quy định; chơi đùa, đá cầu ở lòng, lề đường; chạy theo và đu bám xe ô tô khi xe đang chạy; qua đường sắt không chú ý quan sát tàu hỏa; đi xe đạp tụ tập ở lòng, lề đường, đi sai phần đường, đi ngược chiều, thậm chí đi cả vào đường cấm xe đạp, chở quá số người quy định, chưa đủ 12 tuổi vẫn đi xe đạp của người lớn, đi xe dàn hàng ngang 3, 4 xe trở lên vừa đi vừa đùa nghịch, rẽ ngoặt đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy, chuyển hướng xe không đúng quy định, bám vào xe ô tô đang chạy, điều khiển xe bằng chân, bốc đầu xe, đi xe bằng một bánh, chở người trên tay lái; mang vác vật cồng kềnh, lạng lách, đánh võng hoặc đua xe trái phép; chưa đến tuổi, chưa có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe gắn máy, xe mô tô… Ngoài các nguyên nhân chủ quan trên còn có một số nguyên nhân khách quan như: môi trường giao thông không an toàn và cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, xuống cấp chưa tu sửa kịp thời. Cụ thể, có rất ít các biển báo giao thông và các khu vực an toàn cho người đi bộ, chất lượng đường bộ xuống cấp chưa khắc phục kịp thời; việc sử dụng mũ bảo hiểm đã chấp hành tốt nhưng chất lượng mũ bảo hiểm chưa kiểm soát được.
(Còn tiếp)
Hà Anh

Bình luận (0)