Cảnh sát giáo thông đường thủy đang kiểm tra độ an toàn của một tàu chở khách qua sông. Ảnh: I.T |
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa hoàn thành dự thảo Đề án tăng cường công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông, chống va trôi và xóa “điểm đen” trên đường thủy. Trong đó đã đề ra các nhóm giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa tối đa tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy.
4 nhóm “điểm đen” TNGT đường thủy
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay trên cả nước có 41.900km đường thủy nội địa, đã đưa vào khai thác vận tải được 11.226km (chiếm 26%), trong đó thường xuyên quản lý, bảo trì được hơn 6.700km. Trong tương lai, vận tải đường thủy được xác định là loại hình giàu ưu thế, bền vững. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) được dự báo sẽ gia tăng do ảnh hưởng của hệ thống cầu vượt sông, sự tồn tại của chướng ngại vật trên luồng chạy, công trình dân sinh trên sông, sự bất thường của dòng chảy trong mùa bão lũ… Do đó, mục tiêu của đề án trên là rà soát, thống kê chính xác, đầy đủ các công trình, vật chướng ngại trên luồng chạy tàu gây ảnh hưởng xấu đến ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời đưa ra các giải pháp, phương án kinh tế kỹ thuật trước mắt và lâu dài để giải quyết từng nhóm vấn đề ATGT theo lộ trình. Tại đây, lần đầu tiên khái niệm “điểm đen” TNGT đường thủy được nêu ra, với các tiêu chí được xác định cụ thể, cũng như những biện pháp giải quyết. Theo đó, “điểm đen” có thể là một vị trí cố định hoặc khu vực, một đoạn đường thủy có một trong các tiêu chí như: Luồng chạy tàu cong, hẹp, khan cạn, lưu tốc dòng chảy lớn; khu vực cầu vượt sông không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; có vật chướng ngại trên luồng hoặc hành lang luồng; vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông đường thủy; vị trí xảy ra hai vụ TNGT trở lên, trong đó có vụ gây chết người.
Nhóm thực hiện đề án nghiên cứu, đánh giá và chia thành 4 nhóm “điểm đen” gồm: Tại vị trí các cầu vượt sông, các chướng ngại vật, công trình dân sinh lấn chiếm mặt nước và các công trình khác trên sông…
Khảo sát ban đầu trên toàn quốc nhóm thứ nhất có 440 cầu bắc qua các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Trong đó có 72 cầu được xác định là “điểm đen” với đặc thù khoang thông thuyền không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, trụ cầu không song song với dòng chảy chủ lưu, tạo dòng chảy trên bề mặt lớn, xoáy và gây ra sự chênh lệch mực nước phía thượng và hạ lưu cầu.
Nhóm thứ hai là do các chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo, điểm cong cua, lưu tốc lớn, dòng chảy xiên… gồm các loại như bãi cạn, bãi đá ngầm, xác tàu chìm, cột bê tông, trụ cầu cũ hoặc các vật do quá trình thi công công trình nhưng không thanh thải. Hiện trên các tuyến đường thủy quốc gia có 236 chướng ngại vật được xác định là “điểm đen”, trong đó có 37 vật nằm trong phạm vi bảo vệ luồng chạy tàu. Nhóm thứ ba do công trình dân sinh hiện có khoảng 541 “điểm đen” là vị trí đặt đăng đáy cá (với 5 vị trí đặc biệt nghiêm trọng). Trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, và 15 khu vực xây dựng nhà ven sông, kênh. Nhóm thứ tư là do các công trình trên sông khác như đường ống, dây qua sông, âu đập thủy lợi, bờ kè…, với 54 “điểm đen” hiện có.
Tìm giải pháp cho đường thủy
Từ việc xác định những vị trí cụ thể có nguy cơ cao gây TNGT đường thủy, đề án đã đưa ra 2 nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất xây dựng các quy định pháp luật, chính sách và tổ chức quản lý phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt sẽ xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật liên ngành giao thông – thủy sản liên quan đến vấn đề xây dựng đăng, đáy cá, khai thác thủy sản; các văn bản điều chỉnh đến kích cỡ tàu sông đảm bảo phù hợp với kích thước luồng theo quy hoạch tổng thể đường thủy nội địa; điều chỉnh, bổ sung các định mức kinh tế, kỹ thuật đường thủy phù hợp với dự báo về biến đổi kỹ thuật. Bên cạnh đó, giải pháp quản lý cũng sẽ sử dụng mạnh mẽ hơn các công cụ mang tính kỹ thuật, thay cho biện pháp hành chính đơn thuần. Nhóm giải pháp thứ hai sẽ chủ động tăng cường công tác điều tiết khống chế đảm bảo ATGT, chống tàu thuyền va trôi và xóa “điểm đen”. Biện pháp này đề cao sự phối hợp tác nghiệp giữa các lực lượng thường trực chống va trôi, cứu nạn và các trạm đảm bảo ATGT tại các khu vực. Một số vị trí cầu trọng yếu, khu vực luồng tuyến cong cua và có nguy cơ xảy ra TNGT sẽ được áp dụng biện pháp chống va trôi đặc biệt. Về lâu dài, những vị trí này cần được cải tạo hoặc xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn ATGT đường thủy. Đối với các “điểm đen” là chướng ngại vật, trước mắt tổ chức điều tiết phương tiện, bảo đảm ATGT, lắp đặt báo hiệu; về lâu dài sẽ ưu tiên thứ tự để thanh thải. Nhằm giảm gánh nặng ngân sách, việc thanh thải sẽ được áp dụng theo hướng tận thu tài nguyên lòng sông kết hợp các biện pháp đảm bảo ATGT. Đối với các khu vực đăng đáy cá, chợ nổi, biện pháp tạm thời là bố trí báo hiệu, tổ chức quản lý giao thông hoặc giải tỏa, nhưng về lâu dài, sẽ tổ chức quy hoạch để giải quyết vấn đề dân sinh. Đồng thời, các địa phương thành lập các ban chuyên trách giải tỏa những công trình vi phạm lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng; xử phạt nặng các tổ chức, cá nhân vi phạm và bắt buộc trả chi phí thanh thải chướng ngại vật do họ tạo ra.n
Hà Anh
Bình luận (0)