Trong thời gian, qua tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP.HCM và tại các khu vực trường học
đã được cải thiện rõ nét, tình trạng vi phạm giao thông trong đội ngũ học sinh thành phố đã giảm hẳn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2008 đến nay, tình hình vi phạm ATGT và tai nạn giao thông (TNGT) đang có khuynh hướng tăng cao. Vì vậy để đảm bảo tốt TTATGT, phấn đấu giảm TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố nhất là tại các cơ sở trường học; ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT có công văn đề nghị thủ trưởng các đơn vị tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, kiên quyết chấn chỉnh ùn tắc giao thông trước cổng trường và xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm Luật giao thông.
Hạn chế kẹt xe trước cổng trường
Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết 32/CP, nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông và tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn TT ATGT trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT đã xây dựng 4 nội dung lớn bao gồm:
1. Công tác tuyên truyền: Hầu hết các trường đều mời CSGT đến triển khai Nghị quyết 32/CP, Sở phối hợp với Ban ATGT TP.HCM phát hành Nghị định 32 xuống cấp trường. Trong đó in 120.000 cuốn Nghị định 146 và phát trong các cuộc họp giao ban, triển khai xuống từng học sinh, sinh viên, qua chi đội, chi đoàn trường. Riêng các giáo viên phải chọn lọc lại những điểm trọng tâm để định hướng trao đổi với học sinh trong giờ lên lớp. Ngoài ra, Sở ban hành kế hoạch 1321 về giáo dục TTATGT trong ngành giáo dục trong đó nêu rõ hạn chế tối đa tình trạng kẹt xe trước cổng trường và tình trạng vi phạm Luật giao thông trong học sinh, sinh viên, vận động học sinh đi lại bằng xe buýt phối hợp tổ chức đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại.
2. Ý thức phụ huynh: Sở GD-ĐT ban hành công văn 2939/GD-ĐT về thực hiện báo cáo công tác ATGT trong trường học hàng tháng, làm quyết liệt việc học sinh đi xe gắn máy đến trường bằng các giải pháp kiểm điểm học sinh và mời phụ huynh nhắc nhở và cam kết lưu hồ sơ học sinh, công bố danh sách học sinh vi phạm trước toàn trường; hạ một bậc hạnh kiểm thi đua cuối năm.
3. Công tác nhà trường: đầu năm giáo viên chủ nhiệm thông báo cho phụ huynh, học sinh vi phạm xử lý thế nào. Khi nhận được thông tin tình hình học sinh vi phạm Luật giao thông do Sở GD-ĐT chuyển đến, hiệu trưởng chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm xử lý cương quyết đối với học sinh vi phạm, cụ thể: yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm; mời phụ huynh học sinh nhắc nhở và cam kết lưu hồ sơ học sinh; công bố danh sách học sinh vi phạm trước toàn trường; hạ một bậc hạnh kiểm thi đua cuối năm.
4. Kiên quyết chấn chỉnh ùn tắc trước cổng trường, đẩy mạnh và thực hiện tốt cuộc vận động “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn”, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương (công an, dân quân tự vệ) trong việc tổ chức thực hiện sắp xếp vị trí đậu xe của phụ huynh học sinh. Kiên quyết giải tỏa các hàng quán, hàng rong và thực hiện ổn định TTATGT trước cổng trường vào giờ đến trường và giờ tan học. Mở rộng tất cả các cổng trường để phụ huynh có thể vào trong sân đưa đón con em. Di dời cổng trường tạo sự thông thoáng cho cổng trường, lề đường. Ngoài ra căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, hiệu trưởng tổ chức bố trí lệch giờ học và giờ ra về giữa các khối lớp trong toàn trường từ 5 đến 10 phút. Đối với các trường ở vị trí gần nhau trong khu vực. Hiệu trưởng các trường chủ động họp bàn để phân bố, điều chỉnh giờ về lệch nhau theo từng khu vực trên địa bàn nhằm làm giảm ùn tắc giao thông trong giờ học sinh ra về.
Phụ huynh và học sinh đã có ý thức tốt
Với 4 nội dung trên đầu năm 2008 Sở GD-ĐT làm rất mạnh các trường hợp học sinh vi phạm, hàng tháng căn cứ vào danh sách công an thành phố gửi đến Sở làm công văn đưa xuống trường xử lý. Sau khi trường xử lý xong học sinh của mình thì gởi danh sách về Sở và đưa danh sách này lên trang web của Sở, điều này tác động đến hiệu trưởng rất cao, Sở quan tâm thì trường cũng quan tâm, có quy định hạ hạnh kiểm. Chính điều đó làm ý thức học sinh được chuyển biến rất mạnh so với năm 2007. Vấn đề ùn tắc trước cổng trường, trước đây khi Sở có văn bản yêu cầu trường phối hợp với địa phương, nhưng một số địa phương còn lơ là, trong khi đó tất cả các cổng trường trên địa bàn thành phố đều có tấm bảng ghi “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn”. Thế nhưng cảnh buôn bán hàng rong, cảnh phụ huynh đậu xe dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông hết sức phức tạp. Tuy nhiên, năm 2008 khi thành phố ban hành “Năm trật tự văn minh đô thị”, chính vì năm “Trật tự đô thị” nên vấn đề này chuyển hóa rất nhanh. Việc buôn bán hàng rong trước cổng trường đều được địa phương can thiệp, các trường mở thêm cổng phụ cho phụ huynh vào trong đưa đón con em. Vấn đề ùn tắc giao thông trước đây tương đối nhiều, nhưng nay đã giảm hẳn, phụ huynh đã vào trong trường đón con em, không còn tình trạng đứng tràn lan xuống đường và tệ nạn hàng rong cũng đã giảm hẳn. Sở GD-ĐT đưa chuyên viên ATGT của Sở về khảo sát tại các cổng trường, gặp gỡ một số phụ huynh đứng đón con em tại cổng trường, đều có chung một quan điểm: từ khi nhà trường xử lý nghiêm khắc học sinh đi xe phân khối lớn đến trường, thì phụ huynh tự đưa đón con em, nếu người nào quá bận thì trang bị xe đạp điện cho con em mình đến trường. Chứng tỏ điều này đã tác động rất lớn đến phụ huynh và đúc kết ra một thực tế là do phụ huynh chứ không phải do học sinh, khi Sở đưa ra văn bản xử lý nghiêm khắc thì số lượng học sinh lưu thông trên đường phố trong năm học 2008 tuyệt đối không còn nữa, chỉ cần theo dõi vào các giờ cao điểm (sáng, trưa, chiều) thì minh chứng được điều này. Theo số liệu xử lý học sinh vi phạm đi xe gắn máy đến trường trong quý I/2008 giảm so với năm 2007.
Lê Hữu
Bình luận (0)