Việc đầu tư xây dựng trường lớp đã góp phần nâng cấp CSVC, tạo nên diện mạo khang trang và tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong những ngôi trường mới vững chãi. Tuy nhiên, thời điểm năm học đang diễn ra, nhiều công trình vẫn tiếp tục xây dựng ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc dạy học.
Nỗ lực để đảm bảo chương trình dạy học
Năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) được đầu tư xây mới dãy 12 phòng học và khu hiệu bộ, sửa chữa nâng cấp dãy phòng học cũ. Công trình được khởi công từ đầu tháng 7-2024, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2-2025. Việc đầu tư xây dựng sửa chữa này buộc nhà trường phải có sự điều chỉnh kế hoạch phù hợp với việc dạy học. Theo đó, trong thời gian thi công, nhà trường tổ chức dạy học 1 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp. Những môn học như thể dục, âm nhạc… được xếp lịch trái buổi. Bên cạnh đó, nhà trường còn sử dụng phòng tin học và hội trường để làm phòng học cho các môn học trái buổi, riêng môn thể dục học sinh được bố trí tại nhà đa năng.
Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương được xây dựng đến nay đã gần 30 năm. Thời gian gần đây trường bắt đầu xuống cấp nặng. Thời gian mưa nắng làm tường bong tróc, vữa trụ rã ra làm lộ thiên các cọc sắt bên trong. Mùa mưa, nước đổ xuống từ mái tôn khiến các lớp học ướt nhẹp. Đó là chưa kể, sân và cổng trường cũng trở nên lồi lõm, đọng nước rất bẩn mỗi khi mưa xuống. Việc đầu tư xây dựng và sửa chữa nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh. Vì thế, dù việc dạy học chỉ được xếp một buổi ít nhiều gây nên xáo trộn trong đời sống nhưng phụ huynh luôn sẵn sàng đón con em đúng giờ. Cô Đào Thị Thùy Liên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường cũng nỗ lực hết sức để đảm bảo chương trình dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời phối hợp với phụ huynh nhắc nhở con em mình ôn bài thêm trong thời gian ở nhà để đạt chất lượng tốt.
Cuối năm 2023, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà) với tổng vốn đầu tư 44 tỷ đồng. Trong đó, khối số 1 sẽ xây mới quy mô khối lớp học 4 trên diện tích xây dựng 513m2. Bên cạnh đó, sẽ cải tạo, sắp xếp lại công năng khối hiệu bộ 3 tầng hiện trạng, bố trí 3 phòng học, 2 phòng bộ môn, sảnh đa năng, phòng hiệu bộ, làm việc… Cải tạo, sắp xếp công năng các phòng chức năng, phòng học, mở rộng sảnh, hành lang, nâng thêm 3 tầng bố trí khối phòng học và các phòng chức năng; Sắp xếp và gia cố nâng thêm tầng 3 của khối bộ môn… Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Việc dạy học buộc phải chọn chuyển đến Trường Tiểu học Hai Bà Trưng cũ (cách Trường THCS Nguyễn Văn Cừ khoảng 4km).
Cuối tháng 9-2024, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) được đầu tư công trình xây mới dãy nhà 12 phòng học. Ban đầu nhà trường dự kiến tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh khối 5 – khối lớp đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, vì không tổ chức được bán trú nên phụ huynh không đồng ý vì phải đưa đón 4 lượt/ngày. Theo đó, toàn bộ học sinh được bố trí học với thời lượng 6 tiết/buổi và không bố trí lịch trái buổi để việc đưa đón học sinh được thuận tiện. Trước đó, khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2024-2025, phương án tổ chức dạy – học đã được nhà trường triển khai thay vì đợi khai giảng.
Theo đề án nâng cấp, sửa chữa trường học trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, đến nay có 35 công trình đang triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 804 tỷ đồng; 60 công trình đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 47 công trình đang triển khai hồ sơ chuẩn bị đầu tư. |
Cô Đào Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: “Để học sinh tan học không quá muộn, nhà trường điều chỉnh lịch vào học buổi sáng từ 7 giờ 15. Bên cạnh đó, việc sắp xếp thời khóa biểu cũng được tính toán để có sự đan xen các tiết học âm nhạc, thể dục, mỹ thuật… giữa những tiết học nặng về kiến thức để đảm bảo hiệu quả tiếp thu cho học sinh”.
Chú trọng an toàn cho học sinh
Đối với các trường diễn ra song song việc dạy học và xây dựng như trên, Ban Giám hiệu thường xuyên thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong khuôn viên trường học. Tại Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương, các rào chắn ngăn cách khu vực dạy học và xây dựng được thiết lập, cắm thêm biển thông báo học sinh không được di chuyển gần công trình xây dựng. Đồng thời, giáo viên thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh. Nhà thầu thi công cũng được yêu cầu thực hiện công việc vận chuyển vật liệu và các khung giờ vắng học sinh.
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương trước đó nhà trường cũng đã khảo sát một số địa điểm để thuê phòng để tổ chức dạy học nhưng đều khá xa. Điều này ảnh hưởng đến quãng đường di chuyển của học sinh nên phương án tối ưu được lựa chọn là ở lại trường, dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi bụi bặm và tiếng ồn. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Ban Giám hiệu bố trí phòng làm việc cuối dãy, nơi sát với công trình xây dựng như một “chốt chặn” nhằm nhắc nhở học sinh không chơi quanh khu vực xây dựng. Giáo viên sau tiết học cũng tranh thủ hướng dẫn học sinh vui chơi ngay tại lớp.
Tương tự, theo ban giám hiệu các trường đang được đầu tư xây dựng và việc dạy học diễn ra tại các cơ sở này, công tác đảm bảo an toàn được chú trọng hàng đầu. Các giáo viên được giao nhiệm vụ thường xuyên giám sát, nhắc nhở và hướng dẫn học sinh kịp thời trong quá trình các em di chuyển, vui chơi trên sân trường.
Việc đầu tư xây dựng các công trình trường học đã và đang góp phần nâng cao CSVC, tạo diện mạo khang trang và đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhà trường và phụ huynh mong muốn ngành chức năng, các đơn vị đầu tư cần bố trí thời gian triển khai xây dựng phù hợp để hạn chế ảnh hưởng ít nhất đến việc dạy – học trong nhà trường.
Hàn Giang
Bình luận (0)