Chở hàng hóa như thế này là vi phạm Luật giao thông đường bộ |
Sắp tới đây Luật giao thông đường bộ được bổ sung thêm một số tình tiết siết chặt các quy định nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Do đó, dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ lần này được xây dựng trên cơ sở kết cấu và nguyên tắc xử phạt của Nghị định 146, đã được xây dựng và đưa ra lấy ý kiến công khai trên website của Bộ Giao thông Vận tải.
Tăng cường đảm bảo ATGT
Dự thảo nghị định xử phạt gồm có 4 chương, 55 điều. Trong đó, chương 1, điều 5 là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được bổ sung thêm 2 hình thức xử phạt: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra và buộc đưa ra khỏi lãnh thổ VN hoặc buộc tái xuất phương tiện. Ở chương II là hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt. Trong đó, mục 1 là vi phạm quy tắc giao thông đường bộtừ điều 8 đến điều 14, bổ sung các hành vi bị xử phạt như: chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ; tắt máy khi dừng xe; dừng xe không sát lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố hơn 0,25m, dừng xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, các chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; quay đầu xe trên đoạn đường dốc; quay đầu xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi ô tô bị hư hỏng ngay tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; chở người dưới 16 tuổi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách; người điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện đủ 16 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách; điều khiển xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h đi vào đường cao tốc; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Mục 2 là vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đườngbộbổ sung các hành vi vi phạm bị xử phạt như sau: dựng biển quảng cáo trên đất hành lang ATGT đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản; gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ; thi công trên đường bộ đang khai thác để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng; xây dựng trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch, quy mô thiết kế đã được phê duyệt. Mục 4 là vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, có một số nội dung xử phạt được bổ sung: sử dụng GPLX hạng C điều khiển xe kéo sơ mi rơ mooc (từ 1-7-2010); người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; để học viên không có phù hiệu “học viên tập lái xe” trên xe tập lái.
Mục 5 là vi phạm quy định về vận tải đường bộ bổ sung nhiều hành vi mới: Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo khách, bắt khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (nếu có quy định gắn thiết bị) hoặc thiết bị không hoạt động theo quy định; xe vận chuyển khách du lịch, xe vận chuyển khách theo hợp đồng không có danh sách hành khách theo quy định; chở hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển động vật hoang dã. Mục này được bổ sung nguyên điều 32A về việc xử phạt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: không có bộ phận quản lý về các điều kiện ATGT theo quy định; tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ chưa được cấp phép; để xe không đủ điều kiện kinh doanh vận tải khách vào bến đón, trả khách; không thực hiện đúng nội dung kinh doanh đã đăng kí; không thực hiện đúng về chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng kí… với mức tiền phạt lớn, từ 4 triệu đến 6 triệu đồng.
Tăng thẩm quyền xử phạt
Dự thảo cũng quy định về mức tiền phạt ở hầu hết các hành vi vi phạm tăng so với hiện hành. Trên cơ sở đó, bổ sung và tăng thẩm quyền xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộcho các cơ quan chức năng. Cụ thể là Thanh tra đường bộ được bổ sung thêm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Thanh tra viên đang thi hành nhiệm vụ có quyền phạt tiền đến 500 ngàn đồng (hiện tại là 200 ngàn đồng). Chánh thanh tra Sở, Cục có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng (hiện tại là 20 triệu đồng). Chánh thanh tra Bộ có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng (hiện tại 30 triệu đồng).
Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 2 triệu đồng (quy định hiện hành là 500 ngàn đồng). Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng (hiện là 20 triệu đồng). Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng (hiện là 30 triệu đồng). Chiến sỹ công an đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 200 ngàn đồng (hiện tại là 100 ngàn đồng). Trưởng công an cấp huyện có quyền phạt tiền đến 10 triệu đồng. Giám đốc công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng (hiện tại là 20 triệu đồng). Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng (hiện tại 30 triệu đồng).
Như Thủy
Bình luận (0)