Đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định, báo cáo của các đơn vị nhập khẩu cho thấy vắc xin phòng bệnh dại của năm 2018 đủ để cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Tiêm phòng bệnh dại cho bệnh nhân bị chó cắn tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
|
Sau khi xem xét tình hình, Cục Quản lý Dược thông tin cho biết: Hiện tại có 4 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành ở Việt Nam. Báo cáo của các đơn vị nhập khẩu cho thấy: Vắc xin phòng bệnh dại của năm 2018 đủ để cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin cho tiêm chủng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn có kế hoạch dự trù, dự trữ, ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm (bao gồm cả các biện pháp chủ động thay thế ngồn vắc xin trong trường hợp nguồn cung hiện tại bị thiếu hụt đột ngột) để đảm có đủ vắc xin phòng dại.
Các đơn vị tiêm chủng đang có nguy cơ thiếu vắc xin cần chủ động liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để mua sắm đảm bảo đủ nhu cầu. Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế có hoạt động tiêm vắc xin phòng dại cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, ký hợp đồng, đấu thầu, để cung ứng vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu.
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, 4 tháng đầu năm 2018 có 18 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng vắc xin, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, người dân thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh dại. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng, điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, người dân phải rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại; sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn.
Mọi người cần hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương; đồng thời đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Người dân tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại…
Thu Phương (TTXVN)
Bình luận (0)