Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đảm bảo dinh dưỡng trong mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng, thí sinh cần phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Ảnh: M.Tâm
Để đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho giai đoạn ôn thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH-CĐ đạt hiệu quả, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ (BS) Đào Thị Yến Thủy – chuyên khoa 1, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
PV: Làm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng trong mùa thi thưa BS?
BS Đào Thị Yến Thủy: Để đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn ôn thi, thí sinh (TS) cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng sau: Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh, ngoài ba bữa ăn chính trong ngày các em cần thêm 2-3 bữa ăn phụ xen giữa các bữa chính. Bữa ăn chính cần có đủ bốn nhóm thực phẩm: Bột đường (cơm, bún, bánh mì…), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, đậu đỗ các loại), chất béo (dầu, mỡ, bơ), rau củ và trái cây. Bữa ăn phụ cần thiết là ly sữa tươi, sữa chua, bánh bông lan, củ khoai lang, trái bắp, trái cây… Các loại thức ăn cần đa dạng, đổi món thường xuyên để nhận đủ các chất dinh dưỡng.
Bộ não chúng ta cần năng lượng từ các phân tử đường glucose để hoạt động. Khi cơ thể bị đói, lượng đường trong máu thấp, kém cung cấp cho não dẫn đến sự mệt mỏi, hoa mắt, nhìn kém, thờ ơ, chậm chạp, trí nhớ và sức tập trung bị suy giảm. Do đó, các chất cần thiết như: Các loại vitamin nhóm B (có nhiều trong ngũ cốc, rau củ), vitamin C (trong rau, trái cây), chất sắt (thịt, gan, trứng, huyết…), kẽm (hàu, thịt bò, thịt cóc, cá, trứng), magiê (thịt, trứng), I ốt (muối I ốt), các acid béo thiết yếu (dầu thực vật, mỡ cá)… đều có tác động trực tiếp đến hiệu suất học hành thi cử.
Các món ăn dân gian cho “sĩ tử” mùa thi cũng rất phong phú như óc chưng (ăn óc chắc sẽ bổ não), chè đậu đỏ, cá chép… đều tốt. Tuy nhiên, nếu quá kiêng trứng (sợ bị điểm óc tọt), thịt (sợ ngu như bò, heo), bí… thì có thể đưa đến thiếu các dưỡng chất quan trọng.
Thưa BS, có hay không các món ăn kiêng kỵ?
Không rõ tự bao giờ mà trong dân chúng đã truyền miệng nhau về những điều nên và không nên làm cho những sĩ tử trước ngày thi, thường gặp nhất là các món ăn. Hãy thử xem xét về “những món kiêng kỵ” ở khía cạnh sức khỏe, dinh dưỡng để có thể giúp ích cho bản thân và gia đình mỗi khi cần đến; Nên ăn đậu để thi đậu (thi đỗ): Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, đậu phộng… được xếp vào nhóm giàu chất đạm nên là thực phẩm thay cho “thịt cá” của những người ăn chay, ngoài ra còn có chất bột đường, canxi, phospho, sắt… và một số vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E… Riêng trong đậu phộng còn có thêm một lượng chất béo đáng kể. Vì vậy, đậu các loại là một thực phẩm rất bổ dưỡng và cần thiết cho người đi thi. Nhưng nếu không học hành đàng hoàng thì ăn đậu nhiều sẽ khỏe chứ không thể thi đậu; Không nên ăn bí (bí xanh, bí rợ) vì sợ không làm bài được:Bí bầu là một loại rau củ (không phải rau lá) chứa nhiều nước, chất xơ, chất bột đường và một số vitamin. Nếu không ăn rau thì sẽ bị bí… đi tiêu do táo bón, có thể làm thi rớt do quá khó chịu trong bụng. Tuy nhiên, để người ta khỏi nói ra nói vào thì trước khi đi thi không ăn bí mà thay bằng rau lá cũng được. Riêng bí đỏ nhiều người còn cho đó là món ăn bổ não, có acid glutamic rất tốt cho trí nhớ và đặc biệt giàu tiền sinh tố A (beta caroten) là một chất chống oxy hóa rất tốt; Không ăn trứng (ngỗng, gà, vịt…) hay hột vịt lộn vì sợ bị ốc tọt (không điểm):Trứng là món ăn đặc biệt bổ dưỡng và thích hợp với trẻ em độ tuổi đang tăng trưởng, vì chứa nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao (cơ thể có khả năng hấp thu gần như hoàn toàn), có chất béo, canxi và nhiều loại vitamin. Trứng có thể chế biến nhiều kiểu (luộc, chiên, chưng…), nhiều vị, lại mềm dễ nuốt và ít ngán. Vì vậy, nếu quan niệm “có kiêng có lành” thì cũng đừng kiêng trứng lâu quá, tối đa chỉ kiêng trong bữa ăn ngay trước khi thi.
Còn điều gì BS muốn dặn dò thêm?
Cần quan tâm nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (món ăn phải nấu sôi chín kỹ, rau trái rửa sạch, không ôi thiu, quá hạn sử dụng…) vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tức thời của học sinh. Nên ăn những món ăn quen thuộc hàng ngày vẫn dùng, không nên bổ sung “bất tử” món bổ, quý giá đặc biệt nhưng lạ bụng sẽ nguy hiểm vì gây dị ứng, đau bụng, tiêu chảy hay khó tiêu… Một điều quan trọng nữa là bộ não chỉ được nạp lại đầy đủ năng lượng sau những giờ ngủ say đủ giấc, thức dậy tỉnh táo và khỏe khoắn. Do đó tất cả các lưu ý trên đều rất cần để học sinh có được sức khỏe về thể chất và hoạt động não bộ tốt nhất trong những ngày thi căng thẳng.
Xin cảm ơn BS.
Thái Khuê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)