Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đảm bảo gỗ xuất vào EU có nguồn gốc hợp pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18/11, EU và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (viết tắt là FLEGT VPA).

Đảm bảo gỗ xuất vào EU có nguồn gốc hợp pháp
Cao ủy EU về Môi trường Karmenu Vella và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi họp báo công bố đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc đối với FLEGT VPA.

Cơ chế này sẽ giúp cải thiện việc quản trị rừng, xử lý nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận giữa Việt Nam và EU.

Sẽ phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017

Ngày 18/11, Cao ủy EU về Môi trường Karmenu Vella và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhất trí về nguyên tắc trong việc cùng hợp tác hướng tới việc giảm thiểu nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại lâm sản hợp pháp giữa EU và Việt Nam thông qua một hệ thống cấp phép đầy tham vọng dành cho gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam.

Hệ thống này sẽ đảm bảo rằng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU có nguồn gốc hợp pháp. Sau gần 6 năm đàm phán, nội dung chính của Hiệp định đã được thống nhất và hiện chỉ còn một số phụ lục có nội dung kỹ thuật đang chờ các nhà đàm phán hoàn tất trong một vài tháng tới. EU và Việt Nam kỳ vọng có thể khởi động thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017.

Cao ủy EU về Môi trường, Các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Karmenu Vella  nói: “Ngày hôm nay, Việt Nam và EU đã ghi một dấu mốc về hợp tác song phương trong cuộc chiến toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép”.

Ông cho biết thêm: “Ngay bây giờ, chúng ta cần tập trung vào việc thực thi nhằm đảm bảo VPA này đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường và kinh tế. Cam kết trọng tâm ở đây đó là thiết lập một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, cho phép sự tham gia của tất cả các bên liên quan và bao gồm những cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện được những vi phạm, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc Việt Nam tổ chức thực thi hiệp định này.”

Việt Nam là một nước nhập khẩu và chế biến gỗ lớn và trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng, có một vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn là một thách thức không nhỏ. Nó khiến chính phủ bị thất thu ngân sách, đe dọa tới sự đa dạng sinh học và gây ra những sự xung đột với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.

Hệ thống chứng nhận tính hợp pháp

Để thực thi VPA, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ cũng như tiến hành các cải cách được nêu trong Hiệp định, trong đó có việc ban hành quy định luật pháp cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu làm đầu vào cho chế biến.

Khi VPA được thực thi đầy đủ, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tin cậy vào tính hợp pháp của sản phẩm gỗ do Việt Nam xuất khẩu, qua đó sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và môi trường lớn hơn.

Việt Nam là một trong số 15 nước hiện đang đàm phán VPA với EU. Vào ngày 15 tháng 11, Indonesia đã trở thành nước đối tác VPA đầu tiên của EU cấp giấy phép FLEGT.

Một Ủy ban Thực thi chung giữa EU và Việt Nam sẽ có nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi khi Hiệp định đi vào hiệu lực. Từ nay đến thời điểm đó, các nội dung chính của những thỏa thuận tạm thời đã được thống nhất sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang giai đoạn thực thi.

Kế hoạch Hành động về Thực thị Lâm luật, Quản lý và Thương mại Lâm sản (FLEGT) là một biện pháp đối phó của EU đối với vấn đề khai thác gỗ phi pháp. Nhằm giải quyết vấn đề ở cấp độ EU, Ủy ban châu Âu đã thông qua Kế hoạch Hành động FLEGT.

Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT, thể hiện rõ nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm này. Điều này cũng sẽ giúp đơn giản hóa công việc của các thương nhân gỗ bởi các sản phẩm được cấp phép FLEGT sẽ mặc nhiên đáp ứng các yêu cầu của Quy định về Lâm sản của EU, là quy định về việc nghiêm cấm đưa gỗ phi pháp vào thị trường EU.

Việt Hùng (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)