Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM về việc vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn TP.
Đánh giá buổi vận hành thử nghiệm trong sáng 12-6, ông Nên nhận xét, buổi vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn TP đã thành công, có kết quả là những sản phẩm thực tế trong quá trình vận hành thử nghiệm.
Ông Nên biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, tập trung công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM trong suốt quá trình chuẩn bị các điều kiện để vận hành thử nghiệm.
“Đây là hoạt động thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đầu tiên trên địa bàn TP, để chuẩn bị đi vào vận hành phục vụ cho người dân của TP trong thời gian tới”, ông Nên chia sẻ.
Ông Nên đề nghị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên từng cương vị, từng vị trí được phân công, từng nhiệm vụ được giao, từng khâu, từng bước theo kế hoạch, tất cả rà soát lại, đúc rút kinh nghiệm những việc đã làm nhưng chưa như ý, để cố gắng điều chỉnh, hoàn thiện.
Việc này rất quan trọng để đảm bảo vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn thành phố từ ngày 1-7 này, đảm bảo được thông suốt và phục vụ, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Nhìn nhận vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là mới, ông Nên lưu ý, để xảy ra những sơ sót đều có thể ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, từng cán bộ, công chức, viên chức trên từng lĩnh vực ở 102 phường, xã dự nghiệm lại những phần việc, để hoàn thiện mình đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra.

Ông Nên giao Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, Sở Khoa học Công nghệ TP, các cơ quan đơn vị, địa phương tiếp tục rút kinh nghiệm và triển khai bổ sung các nội dung để đảm bảo vận hành trơn tru, thông suốt trong thời gian tới.
Thông tin về hội nghị tập huấn toàn quốc về tổ chức bộ máy vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, ông Nên đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP thông báo đầy đủ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tham dự buổi tập huấn đầy đủ nhất.
“Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp là rất mới, chưa có tiền lệ. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tham gia đầy đủ buổi tập huấn để hiểu được các chức năng, nhiệm vụ, phương thức vận hành. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đặc thù của từng địa bàn, đặc thù từng phường, xã”, ông Nên nhấn mạnh.
Theo ông Nên, hiện tại việc nào, khâu nào chưa hoàn thiện, chưa vận hành tốt thì người được giao nhiệm vụ phải nhanh chóng kiểm tra, rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện để vận hành tốt hơn trong thời gian tới.
“Các đồng chí sẽ không còn cấp trên trực tiếp như cấp huyện trước đây nữa mà cấp huyện đã trực tiếp xuống làm việc chung với cấp xã. Đây là một bước mới, một trách nhiệm, cũng như phương thức hoạt động theo mô hình mới. Tôi đề nghị các đồng chí phải chuẩn bị cho mình một tâm thế mới, phong cách mới và trang bị cho mình những kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đang đặt ra”, ông Nên nhấn mạnh.
Tới đây, TP.HCM sẽ mở rộng khi sáp nhập, hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vùng Tàu. Ông Nên nhấn mạnh yếu tố đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để tất cả cùng hành động đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ, kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
“Sự phối hợp giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, dịch vụ… để tạo ra tổng thể nhất quán, hướng về một phía để chúng ta vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả cao nhất”, ông Nên bày tỏ và khẳng định, chúng ta phải xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thật sự tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mong mỏi của người dân trong giai đoạn mới.
Lưu ý thời gian vận hành thử nghiệm không còn nhiều, ông Nên yêu cầu, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức tập trung nỗ lực tối đa, bắt tay ngay vào công việc, kết nối kết nối thông tin đến cơ sở thông suốt, thường xuyên, liên tục 24/24 về TP để lãnh đạo TP.HCM có thông tin lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh chưa lường hết trong quá trình vận hành thử nghiệm.
“Đảm bảo không để ảnh hưởng đến mọi hoạt động bình thường, không để sót việc, không để chậm trễ công việc… Đây là yêu cầu rất cao. Việc gì quan trọng, cấp bách, ưu tiên giải quyết trước…”, ông Nên chỉ đạo.
Hồ Trinh
Bình luận (0)