Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đảm bảo quyền lợi người dân sau sắp xếp đơn vị hành chính

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM, các đại biểu mong muốn vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức để phục vụ hiệu quả nền hành chính công.


Luật sư Trương Thị Hòa góp ý cho dự thảo Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM

Cần khảo sát hiện trạng các đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sắp xếp

Phản biện dự thảo phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM, luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP.HCM – cho rằng, để đảm bảo phù hợp và đầy đủ các nội dung theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cần tổ chức khảo sát hiện trạng các ĐVHC cấp xã dự kiến sắp xếp. Việc tổ chức triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ các ngành, các cấp đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Các thông tin về việc tổ chức triển khai sắp xếp cần được cung cấp cho cơ quan báo chí để đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Việc người dân đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp ĐVHC sẽ giúp tinh gọn bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện phải làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ hiệu quả nền hành chính công.

Ông Lâm Tấn Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 – góp ý, cần đánh giá các tác động phát sinh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân như hộ tịch, giấy tờ nhà đất… khi thực hiện sắp xếp. Ngay từ bây giờ, phân công các cơ quan chịu trách nhiệm để có sự chủ động giải quyết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Duyên  – cử tri P.7, Q.5 – cho rằng, cần nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, viên chức ở địa phương thì mới gồng gánh nổi một công việc lớn. Nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu mới cũng rất quan trọng.

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung – nguyên Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, sắp xếp các ĐVHC có thể gây áp lực cho đội ngũ công chức, viên chức sau khi được bố trí lại. Việc công khai minh bạch sắp xếp đội ngũ cán bộ về chất lượng, trình độ cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn quy định về sắp xếp ĐVHC là rất cần thiết. Ngoài phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ theo mật độ dân số thì nên tính toán dân số tăng cơ học hàng năm để xem liệu có gây áp lực cho đội ngũ cán bộ sau khi được bố trí không. Qua đó có phương án phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc hiệu quả, nhất là trong bối cảnh TP đang hướng tới đô thị thông minh thì đội ngũ cán bộ vận hành bộ máy này thế nào.

Sẽ giảm 39 đơn vị hành chính cấp xã

TP có 22 ĐVHC cấp huyện gồm 16 quận, 1 TP và 5 huyện; 273 ĐVHC cấp xã gồm 210 phường, 5 thị trấn và 58 xã. Sau khi sắp xếp, ĐVHC cấp xã giảm 39 đơn vị.

Năm 2024, TP tập trung hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021; giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và bổ sung phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của UBND TP.HCM, TP xây dựng 38 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn 10 quận có liên quan (quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận), trong đó có 6 phương án sáp nhập nguyên trạng 3 phường thành 1 phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng 2 phường thành 1 phường và 9 phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới.

Phương án sắp xếp được xây dựng dựa vào các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội; định hướng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2060, các định hướng quy hoạch đô thị.

Đến năm 2025, TP tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người dôi dư sau Đại hội Đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030 ở những ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau khi sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023-2025; triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Quá trình tổ chức lập phương án tổng thể sắp xếp đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch; trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật; việc xác định tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt công sở, các chế độ, chính sách đặc thù.

Tuy nhiên, số lượng sắp xếp lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội với đặc thù quận, huyện, phường, xã của TP.HCM có diện tích nhỏ nhưng dân đông, vượt nhiều so với quy chuẩn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – nhấn mạnh, phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TP phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô ĐVHC. Phương án này cũng góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của tổ chức chính trị, quản lý chính quyền cơ sở; phù hợp với các chủ trương và định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bà Thắm bày tỏ, việc sắp xếp tuy có làm xáo trộn cuộc sống của người dân trong thời gian đầu nhưng với truyền thống đoàn kết dân tộc, lịch sử, văn hóa của địa phương, đời sống của người dân sẽ sớm ổn định và tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới.

Linh Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)