Tòa soạnThư đi – tin lại

Đám cưới tập thể trên đường phố Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hòa trong niềm vui chào mừng ngày Quốc khánh 2-9, 100 cặp uyên ương tại TP.HCM đã hân hoan với niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình. Hạnh phúc ấy đơn sơ, giản dị thôi nhưng lại thiêng liêng và ấm áp đến lạ kỳ!
Đó là hạnh phúc của những cặp đôi có mặt trong lễ cưới tập thể năm 2013 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.
Văn minh, tiết kiệm
Sáng 2-9, các trục đường Lê Duẩn – Đồng Khởi – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Huệ… đông đúc, rực rỡ hơn mọi ngày bởi hình ảnh của từng đoàn “xe hoa” nối dài. Trên những chiếc xe đạp điện, cô dâu trong trang phục áo dài, khăn đóng khẽ nép mình ngồi duyên dáng sau lưng chú rể khoác trên mình tà áo dài xanh – trang phục truyền thống của dân tộc dành riêng cho ngày cưới. Hình ảnh lạ lẫm này đã khiến nhiều người dân, du khách tại TP.HCM tỏ ra thích thú. Họ đứng dạt qua 2 bên đường, tung hô, reo hò trong niềm hạnh phúc rạng ngời của từng cô dâu, chú rể. Còn với những người trong cuộc, được hợp đôi vào ngày Độc lập của dân tộc có lẽ là kỷ niệm không thể nào quên, gợi nhớ cho họ mỗi khi nghĩ tới đạo vợ chồng. Mỗi cặp đôi là một số phận, một hoàn cảnh, xuất xứ nhưng đều có chung niềm hạnh phúc, xúc động khi được chia sẻ niềm vui với nhau trong ngày cưới.
Đều là những công nhân nghèo, nên việc được hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với họ là việc làm vô cùng ý nghĩa. Đến với lễ cưới này, mỗi cặp đôi chỉ phải đóng góp 1 triệu đồng nhưng được hỗ trợ rất nhiều từ chương trình với 1 bàn tiệc cưới, 1 cặp thẻ ATM có tài khoản 2 triệu đồng, 1 cặp nhẫn cưới và hỗ trợ miễn phí xe hoa, bánh – rượu – hoa cưới, chụp ảnh, quay phim, trang điểm, trang phục…
Hạnh phúc đơn sơ
Để đến với hạnh phúc ngày hôm nay, nhiều cặp đôi đã vượt qua không ít trở ngại về tiền bạc, gia đình, số phận. Họ đều là những công nhân nghèo, xa quê mưu sinh chật vật nơi Sài thành đô hội. Trong số đó, không ít cặp đôi yêu nhau đã lâu nhưng vẫn mỏi mòn mong chờ một đám cưới vì không tích cóp đủ tiền. Với cô dâu Đào Thu Tuyền (33 tuổi, quê ở Bến Tre) thì đây là ngày chị chờ đợi đã… 11 năm qua. Lần đầu tiên được khoác lên người tà áo làm cô dâu, chị không khỏi ngại ngùng. “Tui với ảnh cùng quê. Ảnh là con đầu, ba mất sớm nên phải lo cho mấy đứa em. Nhà tui cũng chẳng “nhỉnh” hơn bao nhiêu, làm thuê riết mà chẳng thấy khá lên được. Hai đứa yêu nhau, rồi quyết định sống chung đã 4 năm chứ nào đã được cưới hỏi gì. Con gái đầu được 2 tuổi, kể cũng ngại lắm nhưng ảnh động viên đăng ký tham gia chương trình, cả đời người chỉ cưới có 1 lần “, chị ngậm ngùi kể.
Cũng cưới muộn màng như chị Tuyền, cô dâu Lý Thị Tuyết Em tỏ ra bối rối khi lần đầu được mặc soiree dài trắng. 39 tuổi, chị đã tính ở vậy để nuôi 2 đứa cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ cho đến lúc về già. Nhưng đến khi gặp anh (chú rể Phạm Văn Cường) thì lý trí của chị đã không thắng nổi trái tim đang khao khát được che chở lâu ngày. Cùng làm công nhân trong nhà máy dệt, chuyện tình của họ được bắt đầu từ nửa ổ bánh mì anh chia cho chị lúc giao ca. “Già rồi, cũng tính chẳng cưới hỏi chi hết. Nhưng anh bảo, mình đến với nhau không mâm cao cỗ đầy như người khác cũng phải được cưới hỏi chứ không để em thiệt, theo không anh về nhà chồng. Tôi đắn đo mãi, không có điều kiện tổ chức đám cưới, thôi thì làm tập thể như vầy. Người ta cưới, mình cũng cưới, đông người cho đỡ ngại”, chị Tuyết Em thổ lộ. Bàn tiệc cưới của anh chị, ngoài họ hàng còn có thêm 2 đứa trẻ nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhưng nhìn ánh mắt hiền từ, thái độ ân cần của anh, chúng thêm vững dạ khi nay mai lại có thêm người chung tay nuôi dạy chúng khôn lớn. Căn nhà nhỏ ọp ẹp rồi đây sẽ có thêm tiếng cười, niềm vui sau mỗi buổi chiều về.
Ngọc  Anh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)