Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Dặm dài cứu nạn khơi xa

Tạp Chí Giáo Dục

Quản lý một vùng biển dài từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, hơn 3 năm qua, lực lượng cảnh sát biển thuộc Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã thực hiện thành công hàng chục chuyến đi cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Dặm dài cứu nạn khơi xa - Ảnh 1.

Tàu cá TH-90244 bị tàu Trung Quốc đâm va, nước tràn vào đã được tàu CSB 8003 tiếp cận, lai dắt vào đảo Bạch Long Vĩ – Ảnh: Lam Giang

Hình ảnh con tàu chuyên dụng CSB 9004 lừng lững giữa trùng khơi bất chấp sóng gió giờ đây đã trở thành điểm tựa vững chãi cho nhiều ngư dân qua mỗi chuyến vươn khơi.

“Trong hoàn cảnh đó, ai cũng phải hành động chứ không riêng gì anh Tạ. Mục đích cao nhất là cứu được người

Đại úy HỒ XUÂN HỢI 

Cứu người là trên hết

"Trước Tết Nguyên đán 2015, ngay sau khi vừa tiếp nhận tàu CSB 9004, chúng tôi nhận lệnh lên đường ứng trực tại vùng biển Quảng Bình. Cuối năm nên biển động dữ dội, đứng ở mặt boong sau tàu mà sóng đánh trùm qua đầu. 

Lần đầu tiên làm quen với con tàu đặc biệt này nên nhiều anh em bị say sóng, không thể ăn được" – thiếu tá Lê Quang Sơn, nhân viên quân khí tàu CSB 9004, nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu.

17h30 chiều 30-10-2015, như bao chuyến hải trình khác, toàn bộ cán bộ chiến sĩ trên tàu CSB 9004 chuẩn bị bữa cơm chiều. 

Đang lang thang ra phía sau boong tàu tìm phút thư giãn thì thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh – nhân viên rađa – bất ngờ phát hiện một cột khói đen bốc lên trên mặt biển cách đó chừng 5 hải lý. 

Biết có chuyện bất an với các tàu của ngư dân, anh Khánh phi thẳng lên đài quan sát trước khi báo cáo chỉ huy.

Ngay lập tức tàu CSB 9004 được lệnh nhổ neo đến vị trí tàu bị nạn. Bình thường, muốn cơ động từ điểm này đến điểm kia thì tàu phải xin lệnh Bộ tư lệnh vùng, nhưng trường hợp này để cứu được người bị nạn nhanh nhất, tàu đã nhổ neo trước khi báo cáo. 

Dặm dài cứu nạn khơi xa - Ảnh 3.

Các chiến sĩ tàu CSB -9004 cứu nạn thuyền viên tàu QNg-97435TS bị cháy ngày 30-10-2015 – Ảnh: LAM GIANG

"Đến nơi, chúng tôi vừa triển khai tìm kiếm ngư dân trên biển vừa dập lửa. Không thể cứu được tàu cá, nhưng toàn bộ ngư dân trên tàu được cứu thành công" – thiếu tá Khánh kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình.

Cũng như anh Khánh, đại úy Hồ Xuân Hợi – thuyền trưởng tàu CSB 4036, một trong số nhiều tàu chủ lực của Vùng cảnh sát biển 1 – nhớ lại: 

"Tôi nhớ như in, đó là thời điểm cận tết năm 2017. Trên biển trời rét lạnh thấu xương, sóng gió rất lớn. Vừa hoàn thành chở đoàn ra chúc tết huyện đảo Bạch Long Vĩ thì nhận lệnh di chuyển ra ứng cứu tàu Bạch Đằng 06 đang bị chìm ở vùng biển phụ cận. Khi chúng tôi đến nơi, con tàu bị nạn đã chìm hẳn xuống biển".

Giữa màn mưa phùn giăng lối, biển động dữ dội, việc tìm kiếm dấu tích của con tàu bị nạn là một thách thức… Sau mấy vòng quần thảo, cuối cùng bộ phận rađa của tàu CSB 4036 tìm được vị trí một chiếc phao cứu sinh trên biển.

Quan sát kỹ hơn, lực lượng cảnh sát biển thấy một nhóm thuyền viên đang trong tình trạng tím tái, gần như kiệt sức. Dù đã được tàu chắn sóng, quăng dây xuống nhưng các thuyền viên này vẫn không thể tự lên được.

Không ngần ngại, đại úy Trần Văn Tạ, nhân viên rađa, mặc vội áo phao, quấn dây thừng ngang lưng lao xuống mặt biển tìm cách đưa những người bị nạn lên boong tàu.

Dặm dài cứu nạn khơi xa - Ảnh 5.

Đại úy Trần Văn Tạ (bên phải), nhân viên trên tàu CSB 4036, cứu thuyền viên tàu hàng Bạch Đằng 06 khi tàu này bị chìm trên vùng biển Hải Phòng ngày 20-1-2017 – Ảnh: LAM GIANG

Dặm dài cứu nạn khơi xa - Ảnh 6.

Các chiến sĩ trên tàu CSB – 4036 chăm sóc 4 thuyền viên tàu Bạch Đằng 06 – Ảnh: LAM GIANG

Điểm tựa cho ngư dân

Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 hiện quản lý một vùng biển rộng lớn từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến hết đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Đây là khu vực có lưu lượng tàu thuyền qua lại dày đặc nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng hải. 

Mặt khác, đây là vùng biển có tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây liên tục xuất hiện bão và áp thấp không theo quy luật đã làm công tác cứu hộ cứu nạn thêm phần vất vả. 

Chính vì vậy, sự có mặt kịp thời của lực lượng cảnh sát biển luôn là một điểm tựa tinh thần cho bà con vươn khơi bám biển.

Thông qua điện thoại, anh Nguyễn Tấn Thuận (thuyền trưởng tàu QNg-97435) tâm sự thật lòng: "Con tàu cháy ở vùng biển Quảng Bình vào cuối năm 2015 chính là tàu của tôi. Lúc đó, nếu không có sự ứng cứu kịp thời của các anh chiến sĩ trên tàu CSB 9004 thì chưa chắc chúng tôi có cơ hội sống. 

Sau sự cố đó, giờ đây anh em vẫn thường xuyên liên lạc, chia sẻ với nhau, cảm giác thân tình như người nhà". 

Còn ngư dân Nguyễn Hữu Sáu (TP Đồng Hới, Quảng Bình) bảo: "Từ khi có lực lượng cảnh sát biển, chúng tôi yên tâm bám biển hơn. Không chỉ lo cứu hộ, mà có tranh chấp hay gặp tàu Trung Quốc chúng tôi cũng phần nào an tâm hơn nhiều".

Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, phó tư lệnh Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1, cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi luôn xác định hoạt động tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Đây không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là trách nhiệm từ trái tim, liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. 

Chính vì thế, hoạt động tìm kiếm cứu nạn được xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của toàn đơn vị".

Cũng theo đại tá Thiếu, để đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra, lực lượng Vùng cảnh sát biển 1 luôn duy trì hệ thống trực 24/24 giờ để kịp thời kết nối và xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra, thực hiện huấn luyện và luyện tập thường xuyên.

Mới đây nhất, đơn vị đã ký quy chế phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển với các đơn vị như Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1, Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân, lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng và bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành… để triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Cứu hơn 100 thuyền viên bị nạn

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng Vùng cảnh sát biển 1 đã tổ chức 26 lượt tàu đi cứu hộ, cứu kéo được 12 tàu thuyền các loại, cứu vớt, đưa đón trên 100 lượt ngư dân, thuyền viên bị nạn trên biển bàn giao cho cơ quan chức năng.

Đặc biệt, trong sự kiện tìm kiếm cứu nạn các máy bay Su30-MK2 và CASA-212, những tàu cảnh sát biển là lực lượng tiên phong, đặt sở chỉ huy trên biển chỉ đạo công tác cứu hộ.

Tàu cứu hộ hình quả dưa hấu

ha thuy tau

Tàu 9004 trong ngày hạ thủy – Ảnh: ĐĂNG NAM

Ngày 22-11-2014, tại Đà Nẵng, Tổng công ty Sông Thu đã hạ thủy tàu cảnh sát biển mang số hiệu 9004. Đây là loại tàu kéo cứu hộ biển có công suất 3.500 mã lực, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cấp sóng không hạn chế với thời gian hoạt động liên tục trên biển là 30 ngày.

Theo đại úy Đào Hồng Quảng – chính trị viên tàu, đáy tàu 9004 được thiết kế hình quả dưa hấu nên có thể chịu được mọi cấp sóng. Sóng mạnh cỡ nào thì tàu cũng như con lật đật, nghiêng ngả rồi trở về trạng thái ban đầu.

Đây là thiết kế đặc biệt dành riêng cho tàu phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Ngoài ra, tàu 9004 có mặt boong rất rộng để tiếp cận và đưa người bị nạn lên tàu được dễ dàng. Tàu có thể lai kéo được tàu trọng tải tới 20.000 tấn, phù hợp nhiệm vụ cứu hộ các phương tiện tàu cá ngư dân hoặc cứu tàu hàng mắc cạn.

ĐỨC HIẾU/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)