Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Dám khác biệt để thành công

Tạp Chí Giáo Dục

B ngoài tai nhng li phn đi, ngăn cn đ chy theo tiếng gi đam mê, nhiu bn tr đã khng đnh bn thân và thành công vi la chn ca mình. Nhìn li chng đưng chông gai đã tri qua, các bn t hào vì nh s kiên đnh, dám khác bit mi gt hái đưc “trái ngt”.


T trái qua: Khánh Ly, Trâm Nguyn và Trn Hunh Như ti ta đàm “Dám khác bit – Câu chuyn t nhng ph n đi theo tiếng gi đam mê”

Tại tọa đàm “Dám khác biệt – Câu chuyện từ những phụ nữ đi theo tiếng gọi đam mê” diễn ra mới đây tại TP.HCM, bạn Trâm Nguyễn (Giám đốc công nghệ tại GeoComply), nữ phi công Khánh Ly và vận động viên Dance Sports Trần Huỳnh Như đã có những chia sẻ về quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình với hơn 1.000 nữ sinh.

Hnh phúc vi s la chn

Nhiều người nghĩ ngành công nghệ thông tin chỉ phù hợp với nam, vì vậy khi lựa chọn lĩnh vực này Trâm Nguyễn đã bị gia đình và người thân phản đối kịch liệt. Họ cho rằng Trâm Nguyễn nên học ngành kế toán, tài chính mới phù hợp. Trước áp lực đó, Trâm Nguyễn không thể làm trái ý gia đình, đã chọn học ngành tài chính. Sau những năm miệt mài đèn sách, bạn đã tốt nghiệp Trường ĐH Công lập San Francisco (Mỹ) với tấm bằng cử nhân khoa học chuyên ngành tài chính. Ra trường, Trâm Nguyễn làm việc trong lĩnh vực tài chính, tuy nhiên, bạn không tìm thấy niềm vui trong công việc. Làm được một thời gian, Trâm Nguyễn quyết định nghỉ việc và chuyển sang học ngành công nghệ thông tin theo đam mê, năng lực của bản thân. Chỉ sau một thời gian làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Trâm Nguyễn đã khẳng định được bản thân và trở thành nữ giám đốc công nghệ tại GeoComply – công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ định vị chống gian lận và bảo mật mạng. Làm đúng chuyên ngành mà mình yêu thích nên Trâm Nguyễn thăng tiến nhanh như “diều gặp gió”.

Từ ngày trở thành nữ lãnh đạo công nghệ, Trâm Nguyễn được những người xung quanh vô cùng ngưỡng mộ vì bạn không chỉ giỏi mà còn có tài quản lý, chịu được áp lực công việc. “Lĩnh vực công nghệ khá khô khan, dường như nó chiếm hết thời gian của tôi. Có nhiều đêm tôi phải thức trắng để hoàn thành công việc, nếu không có đam mê, năng lực chắc chắn người làm việc này sẽ không trụ nổi và bỏ ngay. Nhưng tôi lại thấy đó là một phần của cuộc sống và mình không thể nào rời xa được. Mỗi khi có dự án mới, tôi được khẳng định bản thân, chứng minh được năng lực nên vô cùng hạnh phúc”, Trâm Nguyễn chia sẻ.

T tin vào bn thân

Để trở thành cơ phó của Hãng hàng không Pacific Airlines, nữ phi công Khánh Ly đã phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách. Khánh Ly cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, bạn đã chọn theo học chuyên ngành quản trị cảng hàng không tại Học viện Hàng không Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, bạn trở thành nữ tiếp viên hàng không của Hãng Emirates (Dubai) trong hơn 3 năm. Tuy nhiên, bạn thấy công việc này vẫn chưa đủ để mình khám phá và khẳng định được năng lực. Năm 26 tuổi, Khánh Ly quyết định sang Mỹ học phi công, bắt đầu hành trình huấn luyện căn bản tại Air Venture Flight Center trong 1,5 năm, sau đó tiếp tục tham gia huấn luyện chuyển loại máy bay ở Singapore vào tháng 4-2021. Hoàn thành các khóa huấn luyện, Khánh Ly trở thành cơ phó của Hãng hàng không Pacific Airlines đến nay.

Nhiều người cho rằng Khánh Ly nên chọn công việc làm tiếp viên hàng không sẽ phù hợp hơn là làm phi công. Nhưng Khánh Ly không quan tâm đến những lời khuyên ấy, bởi bạn cho rằng chỉ cần bản thân thích và đủ đam mê thì giới tính không thể ngăn cản việc lựa chọn ngành nghề. “Chúng ta thấy phần lớn phi công là nam nhưng điều đó không thể phủ nhận nữ không làm được. Nếu nam mạnh mẽ, chịu áp lực cao thì nữ cũng có những tố chất có thể làm tốt hơn nam. Có không ít nữ phi công tài giỏi và thành công. Họ làm được tại sao tôi không làm được, bằng chứng là tôi hiện đang làm cơ phó và lái nhiều chuyến bay hạ cánh an toàn”, Khánh Ly chia sẻ.

Theo Khánh Ly, muốn thành công chúng ta phải dám khác biệt. Khác biệt ở đây là dám chọn những ngành nghề đặc thù mà người khác nghĩ chỉ có nam làm được, còn nữ thì không. Tuy nhiên, việc lựa chọn đó phải theo đam mê, năng lực chứ không chạy theo xu thế, theo bạn bè. “Nhiều bạn thấy nữ làm phi công rất oai nhưng không phải ai làm cũng được. Cho nên, dù chọn bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, chúng ta nên cân nhắc xem bản thân có làm được hay không, có phù  hợp hay không. Các bạn đừng chọn đại vì như vậy chưa chắc gắn bó với nghề lâu dài”, Khánh Ly nhắn nhủ.

Quyết tâm theo đui đam mê

Trần Huỳnh Như (Bgirl Shun) hiện là vận động viên nhảy Breaking – là điệu nhảy đường phố thuộc dòng hiphop của người Mỹ du nhập vào Việt Nam. Đến nay điệu nhảy này được giới trẻ tham gia tập luyện ngày càng đông và được đưa vào nhiều hệ thống thi đấu quốc tế trong đó có SEA Games. Huỳnh Như theo đuổi môn này từ năm 2016, sau 7 năm tập luyện, bạn đã đạt được một số thành tích đáng ngưỡng mộ. Cụ thể, năm 2022, Huỳnh Như đoạt giải nhất đơn nữ tại Giải vô địch vũ đạo thể thao giải trí toàn quốc; huy chương vàng SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia; top 9 tại ASIAD 19 năm 2023 tổ chức mới đây ở Trung Quốc… Để có được những thành tích trên, Huỳnh Như đã vượt qua rất nhiều rào cản từ gia đình. “Sau khi tốt nghiệp THPT, ba mẹ hướng tôi học ngành kế toán để có được công việc ổn định. Trong khi đó, bản thân tôi lại rất thích nhảy và muốn phát triển theo hướng này. Tôi đã chia sẻ với ba mẹ để chọn theo đuổi đam mê nhưng ba mẹ nhất quyết không cho, vì cho rằng môn Breaking không có tương lai. Để vẹn cả đôi đường, tôi xin ba mẹ cho lên thành phố học ngành kế toán. Trong thời gian này, tôi vẫn đi tập nhảy để thỏa đam mê. Cuối cùng, tôi cũng tốt nghiệp ngành kế toán, cùng với đó sự nghiệp nhảy Breaking của tôi cũng dần phát triển”, Huỳnh Như tâm sự. Để chứng minh cho ba mẹ thấy mình có thể thành công từ môn Breaking, Huỳnh Như đã âm thầm làm thủ tục sang Thái Lan thi đấu và đoạt giải cao. Tiếp theo là những giải thưởng lớn khác. Bạn bè thấy Huỳnh Như đoạt thành tích cao, họ khen ngợi, ngưỡng mộ nên càng khiến Huỳnh Như có động lực theo đuổi đam mê. Cuối cùng ba mẹ thấy được thành công của Huỳnh Như và dần chấp nhận để bạn theo đuổi đam mê.

Huỳnh Như cho hay, khi tôi theo đuổi đam mê nhảy Breaking, không ai tin có thể thành công; nhưng khi ở đúng môi trường, được bạn bè đồng môn gợi ý nhiều ý tưởng, truyền cảm hứng đã giúp tôi tự tin vào bản thân và thành công. “Đối với môn Breaking, có người thích và cũng có người không thích, nhưng mình cứ làm bằng năng lực, chứng minh cho mọi người thấy bản thân làm được thì họ mới có cái nhìn khác về mình. Nhìn lại chặng đường đã qua quả thật rất khó khăn, nhưng tôi rất biết ơn quá trình khó khăn đó vì nó đã giúp tôi thành công hơn”, Huỳnh Như chia sẻ.

Bài, ảnh: Kiu Trinh

Bình luận (0)