Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đam mê, đừng ngại ngần!

Tạp Chí Giáo Dục

Mạnh dạn trong đam mê, dấn thân; đừng ngần ngại trực tiếp đến các trường ĐH trải nghiệm mô hình đào tạo để lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn… Đó là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) vừa qua.

Học sinh trong trường đặt câu hỏi với Ban tư vấn

Chương trình không chỉ mang đến những thông tin hữu ích trong kỳ tuyển sinh ĐH 2018 mà còn giải đáp những thắc mắc về nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp của hàng trăm học sinh trong trường.

Đa dạng hình thức tuyển sinh, khung đào tạo

Đó là cách thức được nhiều trường ĐH áp dụng trong kỳ tuyển sinh ĐH 2018, đem đến nhiều cơ hội học tập cho các đối tượng học sinh. “Không chỉ bằng hình thức điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ mà còn bằng điểm trung bình của học kỳ. Có thể là hai học kỳ liên tiếp. Các khung đào tạo cũng mở ra nhiều lựa chọn cho người học khi có đào tạo đại trà, đào tạo cử nhân tài năng, cử nhân chất lượng cao rồi liên kết đào tạo. Tùy từng chương trình đào tạo, người học sẽ có những trải nghiệm khác nhau…”, TS. Lưu Trung Thủy (Phó Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết.

Vừa tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ và điểm thi THPT quốc gia, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với 32 ngành đào tạo, trong đó chỉ 2 ngành không xét học bạ mà dựa vào điểm thi THPT quốc gia. “Y đa khoa là một trong những ngành đó. Thời gian học 5 năm, với những thuật ngữ, khối kiến thức khổng lồ đòi hỏi các em phải có một năng lực để theo học. Ra trường làm việc 3 năm các em sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề”, ThS. Dương Duy Khải (Phó phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nói.

Trong khi đó, Trường ĐH FPT bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm kỳ thi THPT quốc gia lại đặt ra một kỳ thi riêng để “đánh giá năng lực, tố chất” của người học với ngành nghề mình chọn. “Đây được coi là một kỳ thi sát hạch để kiểm tra xem các em có phù hợp với lựa chọn của mình hay không. Đối với ngành CNTT thì đòi hỏi phải có sự đam mê, yêu thích máy tính; ngành thiết kế phải có óc sáng tạo”, ThS. Lê Võ Bình Minh (Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) chia sẻ. Còn đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ThS. Ngô Thị Xuân Bình lại cung cấp cho học sinh những thông tin hữu ích về các loại hình đào tạo trong trường. “Với ba hình thức đào tạo là đào tạo đại trà, đào tạo cử nhân tài năng và cử nhân chất lượng cao, mỗi loại hình sẽ tương ứng với một mức học phí khác nhau. Cử nhân tài năng sẽ được học một phần bằng tiếng Anh, còn cử nhân chất lượng cao sẽ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh”. Tuy nhiên, ThS. Bình cũng nhấn mạnh, điểm chuẩn vào trường thường khá cao, thông thường trung bình từ 21 điểm trở lên, có năm lên tới 24 điểm.

Các chương trình đào tạo liên kết cũng là một trong những cách thức đào tạo hiện nay của nhiều trường ĐH. Tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có liên kết đào tạo với ĐH Úc, ĐH Bắc Đan Mạch với khung đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Các em sẽ được học trong một môi trường học tập tiên tiến trên thế giới ngay tại Việt Nam, có cơ hội việc làm ngay trong năm đầu tiên tại các doanh nghiệp nước ngoài”, ThS. Võ Văn Tuấn (Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết.

Kiến thức gắn liền với kỹ năng

Đây lại là một điểm nhấn không thể thiếu, có thể coi là “đặc sản” của mỗi trường ĐH trong thời đại công nghiệp 4.0 gắn với trách nhiệm hình thành nên những công dân toàn cầu.

Trước quan tâm của học sinh về vấn đề làm sao để sinh viên ra trường không thất nghiệp, bà Trần Phan Phụng Trâm (đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) cho rằng trước hết là thuộc về trách nhiệm học tập của sinh viên đối với ngành nghề của bản thân. Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn luôn chú trọng đào tạo các kỹ năng hội nhập cho sinh viên là kỹ năng tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.

Làm rõ thêm quan điểm trên, theo ThS. Ngô Thị Xuân Bình, rất nhiều trường ĐH luôn hướng sinh viên trải nghiệm những hoạt động không chỉ về kiến thức ngành mình học mà còn là những kỹ năng cần thiết. “Bằng các câu lạc bộ học thuật, nghệ thuật, công tác xã hội… sẽ trang bị cho các em những kỹ năng sống. Đối với Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trên 90% sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên ngành ngay trong năm đầu tiên”, ThS. Bình cho hay.

Giải đáp thắc mắc về cơ hội việc làm trong ngành marketing, ThS. Trần Duy Can (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết đối với ngành marketing, sau khi ra trường cơ hội làm việc là cực kỳ lớn khi nhu cầu của các doanh nghiệp luôn luôn tăng, năm sau tăng hơn năm trước. “Các em có thể làm về nghiên cứu thị trường, tiếp thị, phân phối, chiến lược giá, quản trị thương hiệu. Đặc biệt, sinh viên marketing của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thường có cơ hội việc làm ngay trong năm thứ 3 ĐH”, ThS. Can nói.

Trong kỳ tuyển sinh 2018, rất nhiều trường ĐH mở ra thêm những chuyên ngành mới để thích ứng với kỷ nguyên 4.0, tạo ra những cơ hội học tập và việc làm cho người học như: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có ngành vật lý y khoa, kỹ thuật vi sinh, y đa khoa; Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có ngành mỹ thuật đô thị, quản lý xây dựng; tâm lý học và công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Hoa Sen… Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Xuân An (đại diện Trường ĐH Hoa Sen), dù học bất cứ ngành nghề nào, các em cũng phải học bằng tình yêu, đam mê trong khả năng của bản thân với nghề. “Điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp. Nếu có cơ hội, hãy đến trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo để đưa ra cho mình một môi trường học tập phù hợp”, PGS.TS An nhắn nhủ.

Quân Yến

Bình luận (0)