Học sinh nên tìm hiểu kỹ để xác định rõ chọn ngành và chọn nghề để tránh nhầm lẫn dẫn đến lựa chọn sai. Khi chọn ngành, sau khi ra trường có thể làm nhiều nghề trong phạm vi được đào tạo, ngược lại, chọn nghề là chọn công việc cụ thể để gắn bó. Đối với nghề nghiệp trước hết phải xuất phát từ niềm đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân mới có thể… bền chặt.
Một học sinh nữ Trường THPT Bình Hưng Hòa đặt câu hỏi trong chương trình
Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo dành cho toàn thể học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây, cùng sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Đam mê thôi thì chưa đủ
Trước nhiều băn khoăn của học sinh về sự khác biệt giữa chọn ngành và chọn nghề, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo chia sẻ một ngành học có phạm vi đào tạo rộng bao quát nhiều nghề, như ngành marketing, quản trị kinh doanh, tâm lý học… Điển hình như ngành tâm lý học, sau khi ra trường, ngoài nghề tâm lý, người học có thể làm giáo viên, giảng viên, chuyên viên tâm lý học đường, bác sĩ tâm lý tại các bệnh viện, nhân viên phụ trách nhân lực tại các công ty… Khi hiểu rõ ngành và cụ thể từng nghề, học sinh sẽ dễ dàng xác định được sở trường, đam mê cũng như khả năng của mình để chọn được hướng đi đúng nhất tiến đến nghề nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh việc phân biệt đúng về ngành học và nghề nghiệp, theo bà Thảo, đứng giữa băn khoăn chọn công việc thích thú và đam mê hay lựa chọn công việc mà mình làm tốt, nhiều học sinh sẽ không ngần ngại lựa chọn theo “mách bảo của trái tim”; tuy nhiên, trên thực tế đó chưa hẳn là lựa chọn đúng đắn nhất. Bà Thảo chia sẻ: “Một bạn trẻ đam mê và muốn làm ca sĩ nhưng thực tế bạn có giọng hát không hay, không được người nghe đón nhận, nếu vẫn mù quáng theo đuổi đam mê thì tương lai càng trở nên bế tắc, không theo được nghề. Do đó, để chọn nghề thành công, nhất định phải xuất phát từ niềm đam mê, thế nhưng chỉ đam mê thôi thì chưa đủ. Đam mê phải song hành cùng năng lực mới có thể đảm nhiệm tốt nhất công việc. Theo đó, học sinh trước hết phải có năng lực học tập. Nhiều trường, ngành học có điểm tuyển sinh rất cao như y dược, ngân hàng, hàng không… Do vậy, kết quả thi, điểm số cao và học bạ “đẹp” sẽ đảm bảo cơ hội cho các em đỗ vào các ngành nghề có điểm xét tuyển cao. Bên cạnh đó là năng lực về sức khỏe, thể chất, ngoại hình và năng lực về tài chính gia đình (nhiều trường và ngành học học phí không cao nhưng chi phí học tập rất cao như nhiếp ảnh, mỹ thuật…). Nếu các em soi chiếu với các ngành nghề mình đam mê và có đủ những năng lực trên thì con đường nghề nghiệp ắt sẽ trải rộng…”.
Lớp 11 mới định hướng nghề, liệu có muộn?
“Để chọn được một hướng đi đúng, phù hợp thì giai đoạn lớp 11 chưa hẳn là muộn. Ngược lại, đây là giai đoạn chín muồi phù hợp để rèn luyện và bứt phá”, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nói. |
Tại buổi tư vấn, một học sinh lớp 11 tâm tư: “Em yêu thích nghề thiết kế đồ họa từ năm học lớp 9, tuy nhiên đến nay em mới thật sự tìm hiểu và định hướng theo nghề, liệu có muộn hay không? Em phải làm những gì để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình theo đuổi nghề của mình?”. Trả lời câu hỏi trên, bà Thảo cho biết: “So với những bạn khác đã bắt đầu rèn luyện, học vẽ từ trước thì rõ ràng em sẽ thiệt thòi hơn cả. Do đó trong khoảng thời gian tới đây, em phải thật sự nghiêm túc với sự lựa chọn của mình, tìm hiểu kỹ những yêu cầu cũng như tố chất cần thiết để rèn luyện thêm cho mình, đặc biệt là đối với bài thi năng khiếu. Em phải xác định nỗ lực bằng 200% so với những “đối thủ” của mình. Nếu có đam mê thật sự thì khó khăn sẽ bị đẩy bật ra phía sau”.
Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay: “Để chọn được một hướng đi đúng, phù hợp thì giai đoạn lớp 11 chưa hẳn là muộn. Ngược lại, đây là giai đoạn chín muồi phù hợp để rèn luyện và bứt phá. Đối với nghề thiết kế đồ họa, khi tuyển sinh ngoài xét điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ, nhà trường sẽ tiếp tục kiểm tra năng khiếu, cụ thể là năng khiếu vẽ. Do đó, đòi hỏi em phải thể hiện được năng khiếu của mình. Để an tâm và sẵn sàng cho kỳ thi, em có thể chủ động ôn, luyện thi năng khiếu từ trước…”.
Không chỉ định hướng học sinh chọn nghề, chọn ngành đúng, các chuyên gia tư vấn còn nhấn mạnh rằng đỗ vào trường ĐH, CĐ theo đúng nguyện vọng chỉ là điểm xuất phát bắt đầu cho một chặng đường phấn đấu rất dài. Để theo đuổi được nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, trong quá trình học tập, người học cần phải không ngừng rèn luyện, góp nhặt kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, môi trường làm việc thực tế hoàn toàn khác biệt với môi trường giảng đường, khắc nghiệt hơn nhiều, yêu cầu người lao động phải hội tụ nhiều kỹ năng phù hợp. Do đó, ngay từ đầu, người học cần rèn luyện cho mình những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, làm việc nhóm, thuyết trình giữa đám đông…
Hoài Thương
Bình luận (0)