Với kết quả lớp đầu tiên đạt 80% học viên đã bỏ hẳn hoặc giảm chơi game online, thay đổi hành vi, đầu tháng 6 này trung tâm tiếp tục mở lớp thứ hai dành cho 40 học viên. Tuổi Trẻ gặp gỡ chị Trần Thị Kim Liên, phó giám đốc Trung tâm Thể thao văn hóa thanh thiếu niên miền Nam, người trực tiếp tư vấn, tiếp nhận học viên. Chị cho biết:
– Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game online mà trước hết đó là nguyên nhân từ gia đình. Để giúp các em trở về thực tại từ thế giới ảo rất khó khăn, do thế chúng ta cần phòng bệnh hơn chữa bệnh.
* Nhiều người cho rằng với kết quả 80% học viên thay đổi hành vi, bỏ hoặc giảm chơi game online là con số quá lý tưởng, vậy “đầu vào” của học viên có được ban tổ chức lớp sát hạch?
– Trước khi mở lớp, lãnh đạo trung tâm cũng lo lắng trước áp lực của xã hội. Trung tâm tổ chức lớp với mong muốn đây là tiếng chuông cảnh báo xã hội về hiện tượng nghiện game online trong giới trẻ cùng nhiều hậu quả khôn lường, thậm chí hủy hoại bản thân. Nhưng sau khi kết thúc lớp đầu tiên được hơn hai tháng, với sự theo dõi của chúng tôi và đánh giá của phụ huynh, chúng tôi cho rằng sự thành công của lớp ngoài sức tưởng tượng. Trong số 80% đó có em nói sợ chơi game, không còn quan tâm nữa, có em chuyển sang mê hip hop, có em còn chơi game nhưng tự kiểm soát được bản thân, chịu khó học tập.
“Đầu vào” của học viên chúng tôi đã điều tra lý lịch, gặp gỡ các em, phụ huynh. Có em chúng tôi phải đến tận nhà, trường học… để thuyết phục đến với lớp vì cha mẹ không thể thuyết phục được. Chúng tôi nắm tâm lý đối tượng, hoàn cảnh gia đình và phân tích nguyên nhân dẫn đến các em nghiện game online để tìm phương pháp “điều trị”. Vất vả nhất là việc ban tổ chức lớp phải đến với từng em vì mỗi học viên sẽ có cách tiếp cận, giáo dục riêng để phù hợp với tâm lý. Do vậy ngoài những phần cứng trong giáo trình của lớp, mỗi em còn được “phần mềm” riêng hỗ trợ.
|
* Giáo trình của lớp tập trung những phương pháp gì để thức tỉnh “con nghiện”, thưa chị?
– Ba phương pháp chính được trung tâm đã và đang sử dụng là: tạo môi trường, liệu pháp số đông, tạo đam mê mới thay thế cho đam mê cũ. Môi trường của lớp học được xây dựng với mục đích tác động đến tâm lý các học viên, mô hình mới, hoạt động mới, trò chơi vận động… tất cả được xây dựng theo phác đồ điều trị hợp lý. Liệu pháp số đông tạo cho học viên thay đổi bằng cách kích hoạt từ bên ngoài, chịu ảnh hưởng từ đám đông, hình thành thói quen mới…
* Những điều còn thiếu sót trong lớp đầu tiên sẽ được khắc phục ở lớp tiếp theo này ra sao?
Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng: “Tôi chỉ tham gia một buổi nói chuyện với các em với mong muốn khơi gợi nơi các em những tình cảm về gia đình. Không ngờ sau khi đọc lại những dòng các em viết vào hộp cảm xúc mới thấy những câu chuyện ấy tác động sâu sắc đến bản thân các em. Về khách quan, tôi thấy muốn cai nghiện cho các em thì nên làm cho các em mê một cái khác hấp dẫn hơn. Đấy là phương pháp thay thế bởi một đam mê khác mang tính lành mạnh, có giá trị và đáp ứng đam mê của các em, tăng giá trị bản thân. Ngoài ra, mỗi cha mẹ phải biết con mình thích gì để tạo điều kiện cho các em hướng đến sở thích ấy. Xã hội cần có nhiều sân chơi hấp dẫn mang lại giá trị tinh thần cao hơn. Trẻ rất dễ bị trống vắng khi không có gì lấp đầy khoảng trống này, rất dễ bị sa vào những điều không tốt”. |
– Điều chưa được của lớp đầu ở chỗ trước khi tổ chức lớp cho các em nhất thiết phải tập huấn cho phụ huynh, thay vì ở lớp đầu đến tuần thứ sáu mới thực hiện. Vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc phối hợp ban tổ chức lớp giúp con em mình thoát khỏi thế giới ảo của game online.
Ở lớp hai cần có bài tập vật lý trị liệu của các chuyên gia tâm lý, tăng cường chất lượng của nhóm, đồng thời các chương trình bổ trợ, các chuyên đề kỹ năng… cần phải có giảng viên truyền đạt hấp dẫn hơn.
* Ngoài những liệu pháp tâm lý, chương trình lớp mới sẽ mang đến cho học viên những gì? Thời gian 10 ngày có quá ngắn cho việc cai nghiện?
– So với lớp trước chỉ tập trung vào hai ngày cuối tuần trong tám tuần liên tiếp rất khó quản lý học viên, lần này tập trung 10 ngày liên tiếp sẽ là dịp để học viên xa rời môi trường “gây nghiện”.
Các học viên sẽ được huấn luyện quân sự, xây dựng hình ảnh bản thân, từ chối và biết kiên định, sinh hoạt tập thể và làm việc nhóm, theo bước chân người khổng lồ, hộp cảm xúc, mỗi tuần một câu chuyện, một số chuyên đề về tâm lý, thực hiện công tác xã hội… Lớp học sẽ đánh giá kết quả các học viên hằng tuần và tư vấn cho phụ huynh qua điện thoại.
Một số phụ huynh cho rằng 10 ngày là còn ngắn để cách ly các em với môi trường “gây nghiện”, nhưng thật ra trung tâm cũng không thể thực hiện chương trình kéo dài vài tháng như các nước khác mà rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội bởi đây cũng là vấn nạn nan giải của nhiều gia đình.
Theo Kim Anh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)