Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đam mê song hành cùng sứ mệnh

Tạp Chí Giáo Dục

Đang làm quản trị viên một tập đoàn đa quốc gia danh tiếng; Phương rẽ ngang, trở thành Giám đốc điều hành loạt dự án phi lợi nhuận của Tổ chức Giáo dục PACE; rồi tiếp theo là sáng lập hệ thống Trường ngoại khóa Tomato…

Dù đi đâu hay làm việc ở nơi nào, nhà giáo trẻ Nguyễn Thúy Uyên Phương vẫn luôn hướng về Tổ quốc

Với Nguyễn Thúy Uyên Phương, việc từ bỏ một lộ trình này để dấn thân trên con đường khác, đơn giản chỉ đang làm theo những đòi hỏi, thôi thúc rất tự nhiên của đam mê mỗi ngày một rõ ràng, chi tiết. Mà, đam mê nào của Phương cũng có một sứ mệnh song hành.

Hai lần rời bỏ thảm hoa hồng

Ngày còn ngồi trên chiếc ghế giảng đường, Phương khá nổi bật. Chị tham gia nhiều hoạt động xã hội; là một trong 4 “thủ lĩnh” thành lập Diễn đàn thế hệ 8X Việt Nam (VN8X) – một sân chơi dành cho các bạn trẻ được nói lên tiếng lòng. Buổi ấy, công nghệ thông tin mới bắt đầu bùng nổ, đi cùng một cú nhấp chuột là ngồn ngộn thông tin xấu tốt với những trào lưu, phong cách ào ạt được giới trẻ thụ động tiếp nhận… Dư luận khi ấy “chĩa” mũi công kích vào thế hệ 8X bằng những phán xét vô tâm, học đòi, xa rời các giá trị. Cùng VN8X,  Phương và các bạn quyết tâm xây dựng một hình ảnh khác cho thế hệ của mình; bằng việc tiếp sức, cổ vũ những tấm gương tinh tế, giỏi giang, biết gạn đục khơi trong.

Nhờ sự năng động đó, Phương đã vượt qua hàng ngàn ứng viên để được một tập đoàn đa quốc gia danh tiếng tuyển chọn cho vị trí quản trị viên ngay khi chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp. Ấy vậy mà, chỉ vài năm “đầu quân”, chị quyết định rẽ ngang – nghĩa là từ bỏ một công việc đáng mơ ước sang vị trí điều hành các dự án giáo dục phi lợi nhuận.

Nguyễn Thúy Uyên Phương chụp hình lưu niệm với một giáo sư người Nhật
Uyên Phương chụp hình lưu niệm với giáo sư người Mỹ khi du học ở nước này

Ở môi trường mới, chị nhanh chóng trở thành thành viên trẻ nhất trong ban giám đốc, phụ trách mảng nghiên cứu phát triển và trực tiếp điều hành các dự án giáo dục phi lợi nhuận được sáng lập bởi PACE cùng với các doanh nhân, trí thức lớn của Việt Nam, như: Dự án Phát triển Hạt giống Lãnh đạo IPL; dự án Sách Hay; dự án OneBook để đưa sách lên vùng cao, lập các thư viện, tặng sách cho những vùng khó khăn.

Với những trải nghiệm, cơ hội tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến đó; để rồi, sau những đối sánh, Phương cảm thấy rằng nếu giáo dục bắt đầu ở độ tuổi càng sớm, cơ hội để thay đổi một con người càng cao. Chị bắt đầu tìm hiểu về giáo dục ở giai đoạn đầu đời của trẻ em. Từ ý tưởng ban đầu, con đường phía trước dần trở nên rõ ràng và không ngừng thôi thúc, buộc chị đáp trả bằng quyết tâm một lần nữa rời bỏ “thảm hoa hồng”, để được toàn tâm, đi trọn vẹn trên con đường này.

Phương tự nhủ: “Thất bại hay thành công vẫn thăm thẳm phía trước; nhưng ít nhất, mình được thỏa lòng theo đuổi điều mình tin là xứng đáng để sau này không dằn vặt, hối tiếc”. Một lần nữa, cô gái trẻ nhiều ý tưởng, đam mê, nhiệt huyết lúc bấy giờ đã mạnh mẽ rời bỏ những cái “bẫy an toàn” có thể ru ngủ, khiến mình quên lắng nghe tiếng lòng để sẵn sàng đương đầu, dấn thân, chọn lấy mũi tên định mệnh.

… Để đến thành công khác

Phương nói, với những người thân thiết nhất của mình, chị thường không che giấu ước mơ, kế hoạch. “Tôi muốn mọi người biết và ủng hộ. Nhiều người thường ngại kể về những dự định tương lai cho sếp hiện tại của mình nghe, tôi thì không. Tôi không sợ người khác nghĩ mình thiếu gắn bó với nơi làm việc; sao phải sợ khi trong công việc mình đã thực sự tận lực tận tâm, để ngày nào còn ở lại là ngày đó người ta vẫn chào đón sự cống hiến của mình. Hơn nữa, theo đuổi một ước mơ đẹp và chính đáng, thì không ai ngăn cản”.

Phương nộp đơn tham gia chương trình trao đổi chuyên gia của Chính phủ Mỹ, với đề tài nghiên cứu các hoạt động giáo dục tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em. Đề tài này được Phương khởi viết: “Phụ nữ là một lực lượng và động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nếu tiếp sức cho phụ nữ nghĩa là tiếp sức cho xã hội. Song trong các xã hội Á Đông như Việt Nam, điều chiếm nhiều tâm sức của phụ nữ nhất là gia đình, đặc biệt những đứa con. Rất nhiều phụ nữ đã không thể sống và làm việc trọn vẹn với ước mơ, tài năng của mình bởi “gánh nặng” đó. Vì vậy, tiếp sức cho chuyện nuôi dạy con cái của phụ nữ là tiếp sức cho chính họ, cho xã hội của họ…”. Đề tài được chấp thuận, tài trợ. Phương lên đường sang Mỹ.

Phương kể, khi gặp giáo sư Kristi Yuthas, những phác thảo chung chung về con đường đang đi, đã dần sáng, rõ ràng, cụ thể, sắc nét hơn. Về nước, cùng các cộng sự của mình hiện thực hóa ý tưởng bằng giải pháp cụ thể. Mất nửa năm chuẩn bị, tháng 6-2013, Tomato chính thức ra đời, là mô hình trường ngoại khóa đầu tiên ở Việt Nam.

Năm đầu tiên hoạt động, Tomato dành phần lớn thời gian thuyết phục các phụ huynh chấp nhận những chương trình rất “lạ” như giáo dục trẻ về cảm xúc, về phương pháp tư duy, về chuyện không dạy chữ cho con mà dạy con “học cách học trước khi vào lớp 1… Phụ huynh thắc mắc: “Học làm chủ cảm xúc, thay đổi tư duy, kỹ năng này kia… liệu có khó với trẻ quá không, khi con còn chưa học một chữ vỡ lòng?”. Rồi, hàng trăm cú điện thoại đổ dồn chỉ để hỏi chương trình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 của Tomato có dạy toán, văn, Anh bên cạnh chuyện cho trẻ một tâm lý và kỹ năng học tập tốt nhất để vào tiểu học? Đã có lúc chính Phương cùng những người bạn sáng lập cảm thấy… sốt ruột. Nhưng rồi Phương tự trấn an, Tomato vẫn kiên định các phương pháp của mình. Năm sau, chính những phụ huynh đồng quan điểm giáo dục đã bắc cầu cho nhiều phụ huynh khác. Đồng thời, những bất cập, áp lực quá lớn trong cách giáo dục truyền thống bộc lộ ngày càng nhiều, khiến xã hội tự nhiên dịch chuyển theo những xu hướng giáo dục tiến bộ. Qua thời gian, hướng đi Phương lựa chọn cho Tomato ngày càng được ủng hộ.

Phương cho biết, có rất nhiều đề nghị được nhượng quyền mô hình Tomato; song chị và các cộng sự tâm niệm: Giáo án có thể chuyển nhượng song tinh thần, không khí, môi trường lẫn chất lượng giáo viên không dễ gì… “sang tay”. Nhượng quyền giáo dục là một việc khó, bởi, không phải ai cũng đủ tâm huyết và kiên trì làm giáo dục đúng nghĩa. Dẫu biết trong bối cảnh hiện tại, vững vàng trên con đường mình chọn là chuyện không dễ dàng, Phương vẫn kiên định với ý chí của mình.

Suy cho cùng – chị quan niệm – Tomato khởi đầu từ đam mê. Đam mê ấy đi cùng một sứ mệnh chị tự đặt trên vai, thì tiền bạc, lợi ích kinh tế không phải mục đích, mà phải là hệ quả của những cố gắng khởi đi từ trăn trở, thúc giục được làm điều có ích cho giáo dục nước nhà…

Tuyết Dân

 

Bình luận (0)