Đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố được TP.HCM đặt ra vấn đề “Đam mê chính đáng có thể được xem là lí do để biện minh cho sai lầm” đã gây xúc động mạnh khi đưa văn học vào đời sống một cách tinh tế, gần gũi.
4.730 học sinh TP.HCM đã tranh tài trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2023-2024
Gắn văn học vào đời sống một cách tinh tế
Cô Lê Ngọc Hân (Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) đánh giá, đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố môn ngữ văn của TP.HCM quá hay, đậm chất văn chương nhưng lại vô cùng gần gũi với cuộc sống, không hề sống sượng.
Kết cấu của đề vẫn gồm 1 câu nghị luận xã hội và 1 câu nghị luận văn học song đề gây xúc động mạnh vì đã gắn văn học với đời sống một cách vô cùng tinh tế, gần gũi với những bước chuyển vô cùng khéo léo: Tình huống đặt ra, cách xử lý, độ chuyển của đề từ trang 1 qua trang 2 đã là rất khéo léo, sau đó chuyển từ câu nghị luận xã hội qua nghị luận văn học cũng vô cùng khéo léo.
Cô Hân phân tích: “Liệu những đam mê chính đáng có thể được xem là lý do để biện minh cho sai lầm” – vấn đề nghị luận đặt ra quá hay, quá gần gũi, thiết thực, sẽ tác động mạnh mẽ đến nhận thức của học sinh, thức tỉnh các em – những học sinh ở lứa tuổi 17, 18 đứng trứng ngưỡng cửa phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình…
“Trên thực tế, “đam mê” là vấn đề dường như đang nằm trong quán tính của xã hội. Xã hội đang cổ vũ cho việc người trẻ sống theo đam mê. Thậm chí, các đầu sách best seller cũng cổ vũ vấn đề này. Có thời điểm, còn nổi lên những câu như “hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ”. Chính những điều này khiến học sinh lấy đam mê làm mục tiêu cho mọi hành động, nhiều khi không rõ chính mình là ai nữa. Vấn đề nghị luận đặt ra trong đề đòi hỏi học sinh cần tỉnh táo để “đọc và suy ngẫm” đúng với yêu cầu đặt ra trong đề. Và không chỉ học sinh, bất cứ ai cũng cần phải nhìn nhận lại, lắng chậm lại với những đam mê của mình. Việc thể hiện tròn trịa được bài nghị luận xã hội đòi hỏi các em không chỉ phải tỉnh táo trong ngòi viết của mình mà phải cần tỉnh táo trong tư duy. Chính điều này sẽ là sự phân loại rất nhanh”.
Đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn ngữ văn được đánh giá cao
Đối với câu nghị luận văn học, theo cô Hân vấn đề đặt ra khá bao quát song cũng quen thuộc và an toàn. Để làm được phần này, học sinh phải vững vàng kỹ năng lý luận văn học, chứng minh lập luận của mình bằng những tác phẩm hoặc những câu truyện văn chương. Tuy nhiên phải nêu ra những góc nhìn riêng biệt của mình ở trong tác phẩm đó.
“Một tác phẩm nhìn qua nhiều góc độ thì học sinh dễ dàng nhìn thấy được nhưng nhìn ở dưới “những góc nhìn văn chương” thì chỉ những học sinh thực sự có năng lực văn chương, yêu thích bộ môn, khả năng đọc nhiều mới có thể nhìn ra những góc nhìn riêng biệt mà giám khảo có thể cũng không ngờ tới”.
“Để ra được đề thế này không hề dễ”
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khá ấn tượng với định hướng mới mẻ trong đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm 2024 môn ngữ văn của TP.HCM.
Việc kết nối theo trục chủ đề từ câu nghị luận xã hội đến câu nghị luận văn học đã là xu hướng mà Sở GD-ĐT TP.HCM sớm đã định hình từ các năm qua ở kì thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Đặt trong xu thế mới của việc dạy học ngữ văn, khi Chương trình Ngữ văn 2018 và sách giáo khoa tương ứng có nhiều chuyển biến rất tích cực, nội dung kiểm tra đánh giá rất cần phải đổi mới, đặc biệt trong kỳ thi chọn học sinh giỏi thì càng nhận thấy định hướng đúng đắn của TP.HCM.
“Trong đề có sự kết nối rất khéo léo giữa đọc và viết, ngữ liệu đọc trở thành một tình huống khơi gợi vấn đề nghị luận cho học sinh. Điều này buộc các em phải chứng minh một điều: muốn viết tốt trước hết cần đọc tốt, đọc vừa là cội rẽ vừa là đôi cánh của viết, nhất là với HSG môn ngữ văn” – Thạc sĩ Khôi phân tích.
Một điểm ấn tượng nữa, theo Thạc sĩ Khôi đó là đề đã đặt ra được chủ đề “Góc nhìn khác biệt”. Tuy không quá xa lạ nhưng tình huống nảy sinh thì rất độc đáo, thú vị. Ở câu Nghị luận xã hội, việc đặt ra mối quan hệ giữa đam mê chính đáng và lí do để biện minh cho sai lầm rất thiết thân với giới trẻ, những học sinh đang đua sức trong cuộc thi và cả những em sẽ được tiếp cận với đề.
“Không ai cấm chúng ta đam mê, đặc biệt là những đam mê chính đáng. Song mọi thứ vẫn hằng hữu hai mặt khôn lường, đam mê cũng vậy. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp, đa diện đang chờ các em phía trước, nhận chân được lằn ranh giữa chính đáng và mù quáng, giữa thuyết phục và ngụy biện là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, các em sẽ có dịp nhìn lại, và có lẽ, sẽ xử lí tốt hơn khi buộc phải lựa chọn giữa tập thể và cá nhân, giữa khuôn phép và phóng khoáng, giữa tình và lí để xác định cho mình lẽ sống cần có trong hành trang vào đời”.
Mặc dù vậy, thạc sĩ Khôi cũng bày tỏ chút tiếc nuối khi câu nghị luận văn học có đôi chút “lép vế” so với câu nghị luận xã hội khi tiếp nhận văn học là một vấn đề đã quá quen thuộc. Song, theo ông, điều này là hoàn toàn có thể chia sẻ được: “Tìm ra vấn đề nghị luận văn học kết nối với đời sống không dễ. Câu nghị luận xã hội đảm nhận vai trò phân hóa chính cho đề thi thì câu nghị luận văn học phải làm vợi đi chút áp lực cho học sinh. Sự cân đối này vẫn thể hiện được yêu cầu phân hóa của đề thi…”.
Yến Hoa
Bình luận (0)