Nguyễn Thị Mai (bìa phải) nhận giải thưởng Euréka lần thứ 13 năm 2011
|
Hết giờ dạy trên giảng đường, Nguyễn Thị Mai – Phòng Công nghệ sinh học phân tử và môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG (TP.HCM) – lại trở về phòng thí nghiệm. Sau 6 tháng miệt mài, Mai đã nghiên cứu thành công “Mô hình ruồi giấm chuyển gen ứng dụng trong nghiên cứu cơ chế phát bệnh Parkinson”. Đề tài này đã đạt giải đặc biệt của Hội đồng giải thưởng Euréka lần thứ 13 năm 2011.
Thất bại không nản lòng
Khi tôi gặp Mai thì cô tân cử nhân loại giỏi ngành công nghệ sinh học đã là trợ giảng ở một trường ĐH quốc tế. Chia sẻ về giải đặc biệt của mình, Mai nói: “Tôi rất vui, nhưng thú thật lúc thầy cô đưa hồ sơ dự thi, tôi không nghĩ là mình đạt giải vì đây là công trình khoa học nghiên cứu về đề tài còn rất mới. Được xem là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về mối liên hệ của protein á-synuclein trong cơ chế phát sinh bệnh Parkinson trên mô hình ruồi giấm. Rất ít người tham gia nghiên cứu đề tài này. Tôi mạnh dạn chọn đề tài này một phần do chuyên ngành của tôi là công nghệ sinh học y – dược; và đặc biệt là tôi rất thích hướng nghiên cứu về cơ chế phát sinh bệnh đối với các bệnh về di truyền…”.
Cho đến những tháng đầu của năm học thứ 4, Mai mới bắt đầu tìm tài liệu để đọc. Cô đã mất 4 tháng chỉ để đọc, nghiên cứu tài liệu được dịch từ nhiều cuốn sách nước ngoài có liên quan đến đề tài của mình. Là đề tài lần đầu thí nghiệm trên ruồi giấm nên khó khăn, phức tạp hơn so với những thí nghiệm mà Mai đã làm trên vi khuẩn. Cụ thể, thí nghiệm đòi hỏi phải đúng giờ và liên tục. Đồng thời do tính chất của thí nghiệm về sinh học phân tử là cần nhiều hóa chất đắt tiền, đòi hỏi sự tinh sạch cao và nhập từ nước ngoài nên không phải lúc nào quá trình thí nghiệm cũng được diễn ra liền mạch. “Có nhiều khi bụng đói rã rời nhưng tôi không dám đi ăn vì phải theo dõi từng chi tiết một trong quá trình thí nghiệm. Thế nhưng hơn 15 lần thí nghiệm vẫn không cho ra kết quả như mong muốn. Đã có lúc tôi nản, muốn bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn nên lại tiếp tục làm…”, Mai cho biết những khó khăn khi nghiên cứu. Sự cố gắng không biết mệt mỏi, đó là những ngày ngủ gục trên bàn thí nghiệm, cuối cùng Mai cũng đã thành công với đề tài nghiên cứu của mình.
Đam mê là trên hết
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở ngoại ô TP.Đà Lạt, hằng ngày, Mai vẫn phải phụ mẹ trồng rau, làm cỏ. Thế nhưng suốt 12 năm học, Mai luôn đạt học sinh giỏi. Ngay từ năm học lớp 8 – năm bắt đầu tiếp cận môn hóa học – Mai đã rất hứng thú với những nguyên tố, phân tử, các phản ứng hóa học. Năm lớp 12, cô học sinh Trường THPT Trần Phú xuất sắc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn hóa học. Đến kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2007, bỏ mặc những lời khuyên “định hướng” từ gia đình, Mai quyết định chọn học ngành công nghệ sinh bởi theo bạn “công nghệ sinh học là khoa học thực tiễn đang ngày càng mang lại nhiều ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày nói chung và trong chữa trị, chẩn đoán các bệnh về di truyền nói riêng”. Và ít ai biết rằng Mai từng bỏ ngôi vị thủ khoa ngành tài chính ngân hàng, á khoa Khoa Kinh tế – Luật (nay là ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM) để theo đuổi đam mê khoa học của mình.
Bây giờ cô gái có vóc người mảnh dẻ ấy đã đạt được mơ ước của mình – cử nhân ngành công nghệ sinh học loại giỏi. Nói về tương lai, Mai cho biết: “Dù tôi không còn ở lại trường và tiếp tục theo hướng nghiên cứu nhưng những em sinh viên học khóa sau tôi vẫn đang bước tiếp theo hướng đề tài này. Tôi tin rằng các em ấy có thể mở được tấm rèm bí mật về cơ chế phát sinh bệnh Parkinson”.
Bài, ảnh: Nguyên Thanh
Đề tài của Mai được Hội đồng giải thưởng Euréka lần thứ 13 năm 2011 đánh giá cao bởi có nhiều ưu điểm: Dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, sự tương đồng cao với bộ gen người, việc ứng dụng mô hình ruồi giấm trong nghiên cứu bệnh đã cho thấy một hướng đi mới, đầy tiềm năng trong nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam. |
Bình luận (0)