Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dấn bước vào truyện tranh dã sử

Tạp Chí Giáo Dục

Sách tranh lịch sử lâu nay rất nhiều nhưng lại hiếm có truyện tranh dã sử dù thể loại này luôn được yêu thích. Sử liệu là kho tàng vô tận cho các tác giả, họa sĩ nhưng bước vào con đường này cũng gian nan.

6 năm “ôm” 1 tập truyện

Ngày bộ truyện tranh Vạn Nhân Ký ra mắt, tác giả Linh và Thạch (nhóm Linh Thạch) mới thở phào nhẹ nhõm, bởi họ đã trải qua 6 năm làm việc âm thầm, kỹ lưỡng từng chi tiết từ ý tưởng đến câu chuyện, nghiên cứu sử liệu, phác họa tranh vẽ, chăm chút lời thoại… Tập 1 Vạn Nhân Ký – Noãn (trong series 7 tập) là câu chuyện hư cấu về nhân vật Lý Phúc Anh – người cuối cùng của tôn thất họ Lý còn sống sót…

Truyện tranh dã sử lúc nào cũng được sự  đón nhận, yêu thích từ cộng đồng yêu truyện tranh

Truyện tranh dã sử lúc nào cũng được sự đón nhận, yêu thích từ cộng đồng yêu truyện tranh

Vạn Nhân Ký – Noãn gồm 2 phần: chính truyện và ngoại truyện. Vì là truyện tranh dã sử nên tên tuổi các nhân vật lịch sử cũng như địa danh đều được thay đổi. Dù vậy, người đọc vẫn nhận diện được các nhân vật có thật, địa danh thời Nguyễn cuối thế kỷ XVIII. Bối cảnh truyện diễn ra trên đảo Phú Quốc, khi Lý Phúc Anh cùng thân tín bôn tẩu tránh sự truy sát của quân Yên. Cuộc sống của ngư dân, văn hóa sinh hoạt, không gian sống của người xưa được tái hiện bằng những bức vẽ sinh động. Mỗi một chi tiết đều là sự tìm hiểu rất kỹ của họa sĩ Linh.

“Chúng tôi nghiên cứu nhiều nguồn sử liệu, ngoài chính sử còn có rất nhiều câu chuyện dân gian truyền miệng. Đặc biệt tôi được tiếp cận 3 cuốn tư liệu quý của người Pháp ký họa về Đông Dương, trong đó có bộ tranh khắc kẽm rất đẹp. Có những tranh tôi phải vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần để đảm bảo tính chính xác của lịch sử. Như khẩu súng thần công khi đặt trên bãi cát thì sẽ khác với khi đặt trên đất liền như thế nào…” – Linh bày tỏ. 

Đọc Vạn Nhân Ký – Noãn sẽ thấy sự chăm chút của Linh Thạch từ phục trang, nhà cửa, thuyền bè, khí giới… được người Việt sử dụng vào những năm 1800. Đặc biệt, với phần truyện liên quan đến thanh kiếm gắn liền với sự nghiệp của một vị vua Triều Nguyễn, Linh Thạch có được sự hỗ trợ của nhóm thực hiện Nam Binh Thần Khí (dự án về truyện tranh/game mobile nhân cách hóa các binh khí Việt Nam lấy cảm hứng từ lịch sử).

6 năm là khoảng thời gian khá dài cho 1 cuốn sách. Hỏi Linh và Thạch có khi nào muốn bỏ cuộc không, câu trả lời là: “Mình đã cố gắng hết sức để phác họa một câu chuyện tâm đắc, đến phần minh họa, nếu bỏ cuộc thì thật tiếc”. Trong thời gian “ôm” Vạn Nhân Ký – Noãn, Linh tham gia vẽ minh họa phiên bản màu cho bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh (Nhà xuất bản Trẻ) và hoạt động ở fanpage Học viện An Nam – trang dành cho truyện tranh lịch sử của Linh Thạch. 

Kho tàng vô tận chờ người sáng tác 

Tập 1 Vạn Nhân Ký – Noãn là khởi đầu cho sự dấn bước tiếp tục vào truyện tranh dã sử của Linh Thạch. Các nhân vật Nguyễn Huệ, Trưng Vương, Lê Lợi… sẽ xuất hiện trong các tập tiếp theo. Sách tranh lịch sử lâu nay rất nhiều, ngoài Lịch sử Việt Nam bằng tranh còn có Lược sử nước Việt bằng tranh, Tranh truyện lịch sử Việt Nam, Truyện tranh lịch sử Việt Nam – Khát vọng non sông, Hào khí Đông A, Hiền tài nước Việt… Mỗi bộ đều được in từ vài tập đến hàng chục tập, chủ yếu khai thác chính sử. Còn truyện tranh dã sử lại rất hiếm.

Một trong những bộ truyện gây tiếng vang cho thể loại này có thể kể đến Long Thần Tướng (nhóm Phong Dương Comics, 2014), được xuất bản theo hình thức gây quỹ từ cộng đồng. Nhưng đó đã là câu chuyện của gần 10 năm trước.

Năm 2018, xuất hiện “làm mưa làm gió” trong cộng đồng yêu truyện tranh là Cánh hoa trôi giữa hoàng triều của họa sĩ 9X Tuyết Tuyết. Truyện khai thác nhân vật Lý Chiêu Hoàng, với bối cảnh lịch sử vào năm 1225. Họa sĩ Tuyết Tuyết từng chia sẻ rằng khi thực hiện tác phẩm này, chị đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu không chỉ tài liệu sử mà còn về trang phục, kiến trúc, phong tục… thời Lý. Không phải thao tác trên bản thảo mà quá trình làm việc ngoài trang sách mới là thử thách lớn nhất cho các tác giả, họa sĩ khi dấn bước vào truyện tranh đề tài lịch sử. 

Nhóm tác giả Linh Thạch đã dành 6 năm nghiên cứu, sáng tác tập 1 bộ truyện tranh Vạn Nhân Ký

Nhóm tác giả Linh Thạch đã dành 6 năm nghiên cứu, sáng tác tập 1 bộ truyện tranh Vạn Nhân Ký

Đầu tư nhiều thời gian, công sức, gặp rất nhiều khó khăn… là trở ngại lớn cho các tác giả, họa sĩ khi thực hiện truyện tranh lịch sử. Họa sĩ Thạch nói vui Vạn Nhân Ký như “món nợ đời”, còn họa sĩ 9X Tuyết Tuyết cũng từng muốn bỏ cuộc với Cánh hoa trôi giữa hoàng triều. Long Thần Tướng nếu không có quỹ cộng đồng thì gặp khó khăn trong việc xuất bản… Ngoài nguồn sử liệu (chính sử và huyền sử), các tác phẩm còn cần có sự cố vấn của các nhà nghiên cứu lịch sử. Với Long Thần Tướng là nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, với Vạn Nhân Ký là nhà nghiên cứu Phạm Trung Tín và Trần Ngô Du. 

“Các bạn trẻ cứ tự tin chia sẻ những dự án của mình. Câu chuyện hay sẽ được cộng đồng chú ý, đơn vị làm sách quan tâm. Du Bút biết đến Vạn Nhân Ký cũng từ việc Linh Thạch cho đăng một phần câu chuyện lên Facebook” – anh Trần Duy Nguyễn – Giám đốc Công ty sách Du Bút – chia sẻ, như lời động viên người trẻ tự tin, dấn bước vào truyện tranh dã sử. Thể loại này “khó nhằn” nhưng hấp dẫn, tác phẩm ra đời lúc nào cũng được sự đón nhận rất lớn từ cộng đồng yêu truyện tranh. Đến nay, đã có những bộ truyện kể về các thời đại: Lý, Trần, Nguyễn… nhưng vẫn còn đó kho tàng sử liệu vô tận chờ người sáng tác. 

Theo Lục Diệp/PNO

 

Bình luận (0)