Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đắn đo chọn lựa môn học lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần qua, các trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM tiếp nhận hồ sơ nhập học của học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập, đồng thời tiến hành tư vấn cho phụ huynh, học sinh chọn môn học tự chọn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dù là năm thứ ba triển khai nhưng phụ huynh và học sinh vẫn còn nhiều băn khoăn khi lựa chọn môn học.

Học sinh trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) nộp hồ sơ nhập học. Ảnh: MINH TRANG

Lựa chọn môn dựa vào tổ hợp xét tuyển

Trong hai ngày 24 và 25-7, Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8) tổ chức chuyên đề ở sân trường nhằm giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về lựa chọn môn học ở lớp 10. Trước đó, phụ huynh, học sinh đã được tư vấn về cách thức lựa chọn môn học khi mua hồ sơ nhập học.

Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, cho biết, hiện nay hầu hết phụ huynh và học sinh đã chọn xong tổ hợp môn học ở lớp 10. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia tư vấn, phụ huynh và học sinh vẫn còn rất nhiều thắc mắc, thậm chí mơ hồ về các tổ hợp môn tự chọn ở lớp 10. Do đó, nhà trường tổ chức tư vấn thêm một lần nữa để phụ huynh và học sinh chắc chắn về lựa chọn của mình, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh đổi môn học sau năm lớp 10.

“Mặc dù là năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018 nhưng lứa học sinh lớp 10 năm nay sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới về quy chế, nên các em cần được tư vấn kỹ, lựa chọn môn học phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học”, đại diện Trường THPT Võ Văn Kiệt chia sẻ.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Hiệu trưởng Hoàng Thị Hảo thông tin, năm học 2024-2025, nhà trường tăng từ 6 tổ hợp môn học ở năm học trước lên 8 tổ hợp trong năm nay, đồng thời để cho học sinh lựa chọn theo sở thích và năng lực 4 môn tự chọn ngoài 8 tổ hợp cố định nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đăng ký của học sinh. Dự kiến, trường sẽ tổ chức các lớp học “chạy” (lớp học tổ chức theo đăng ký môn học của học sinh, không cố định biên chế lớp theo các môn bắt buộc của Chương trình GDPT 2018 – PV) dựa vào điều kiện thực tế phòng ốc và biên chế giáo viên ở từng môn học.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) Nguyễn Hùng Khương cho hay, trường tổ chức 7 tổ hợp môn học cố định ở 3 nhóm môn học, gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong mỗi tổ hợp, học sinh được lựa chọn 2 môn học theo năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Nhằm giúp học sinh và phụ huynh có thêm cơ sở xác định được định hướng nghề nghiệp của học sinh, nhà trường tổ chức hình thức tư vấn chung ở sân trường và tư vấn riêng từng trường hợp để giải đáp cặn kẽ thắc mắc của phụ huynh, học sinh.

Với cách làm khác, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) không tổ chức tư vấn chung ở sân trường mà chia học sinh thành nhiều nhóm nhỏ, tập trung tư vấn cá nhân cho từng phụ huynh, học sinh. Tại mỗi bàn tư vấn, đội ngũ tư vấn (gồm thành viên ban giám hiệu, giáo viên bộ môn) cung cấp đầy đủ thông tin về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và các tổ hợp xét tuyển đại học.

Qua thực tế tư vấn, ngoài 2 môn bắt buộc theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là Toán và Ngữ văn, đa số học sinh chọn môn Ngoại ngữ vì môn này có mặt trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học. Ngoài ra, học sinh lựa chọn thêm 1 môn trong số các môn lựa chọn theo quy định của Bộ GD-ĐT phù hợp mục tiêu xét tuyển đại học và tham gia 4 môn thi tốt nghiệp THPT.

Nâng cao hiệu quả tư vấn

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ Đỗ Đình Đảo, một trong những điểm mới của đăng ký tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là học sinh phải đăng ký môn học tự chọn ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10. Sau đó, Sở GD-ĐT TPHCM tổng hợp dữ liệu thông tin các nhóm môn học được học sinh đăng ký gửi về các trường THPT để có định hướng ban đầu về tổ chức môn học ở lớp 10.

Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ nhập học của học sinh, các môn học được đăng ký khác rất nhiều so với đăng ký trên hệ thống tuyển sinh trước đó. Cụ thể, khi đăng ký ban đầu, học sinh có xu hướng chọn các môn học được cho là nhẹ nhàng, không yêu cầu cao về học thuộc lòng kiến thức. Tuy nhiên, sau khi tham gia tư vấn tại trường, các em phát hiện các môn học này không có trong tổ hợp xét tuyển đại học nên đã thay đổi môn học.

Học sinh trúng tuyển lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) nộp hồ sơ nhập học. Ảnh: MINH TRANG

Ở khía cạnh khác, bà Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, cho rằng, nhiều học sinh hiện nay chỉ xác định thế mạnh của mình là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, nên khi đi vào từng tổ hợp xét tuyển đại học thì các em còn rất mơ hồ.

Do vậy, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong đó, việc tư vấn cần phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng học sinh ở các khu vực, tốp trường. Đơn cử, trường ở tốp đầu tập trung phát huy năng lực sẵn có của học sinh, song trường ở tốp giữa và tốp cuối cần tư vấn kỹ hơn, giúp học sinh xác định được năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân, từ đó đưa ra lựa chọn môn học phù hợp.

Theo Minh Thư/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)