Gần đây, trên ứng dụng Blind, nơi mọi người có thể thảo luận ẩn danh, một người chia sẻ chuyện đi đám ma con chó của một người bạn.
“Khi thấy hộp nhận tiền viếng, tôi thả vào 50.000 won để tránh làm bạn không thoải mái, nhưng ngược lại tôi thấy không thoải mái. Tôi không chắc việc phúng viếng như thế này có phải điều đúng đắn hay không”, bài viết đăng ngày 8/1 cho biết.
Những bình luận tiêu cực về bài viết chủ yếu thuộc 2 nhóm: Phản đối ý tưởng làm đám ma cho chó mèo và phản đối đưa tiền phúng viếng.
“Có vẻ bây giờ chúng ta phải gửi tiền mừng cho đám cưới của chó, hay cả tiệc sinh nhật đầu tiên của chó nữa”, một người bình luận.
Một người khác bày tỏ tò mò rằng liệu người viếng có phải làm những việc như khi dự đám ma của người hay không, như cúi đầu trước di ảnh trên bàn thờ, hay liệu trong đám ma thú cưng có sangju – chủ tang, hay không.
Một số người không quan tâm đến đám tang mà chỉ tập trung vào chuyện đưa tiền phúng viếng.
Một người cho biết truyền thống này xuất phát từ nguyên tắc có đi có lại, nghĩa là những người thân thiết tặng nhau tiền mặt trong các nghi lễ. Tuy nhiên, vì không phải ai cũng nuôi thú cưng, nên việc đưa tiền phúng sẽ làm mất đi mục đích có đi có lại.
“Nếu tôi tổ chức đám tang cho chó của mình, tôi sẽ không mời bạn bè mà chỉ làm cùng những người trong nhà. Tôi không muốn tạo gánh nặng cho bạn bè”, Son, người đang nuôi một con chó Mal 10 tuổi, chia sẻ với báo Korea Herald.
Kim Ji-hyo, người đang nuôi một con chó bichon 8 tuổi, gợi ý cách khác: “Trong đám ma con chó của bạn tôi, tôi sẽ tặng họ những thứ mà con chó của họ trước đây thích. Thay vì đưa tiền, tôi thích tặng đồ chơi và đồ ăn”, Kim viết.
Theo kết quả cuộc khảo sát trên 5.000 người Hàn Quốc do Bộ Nông nghiệp, lương thực và nông thôn thực hiện năm 2022, cứ 4 người thì 1 người nuôi thú cưng, trong đó khoảng 75% nuôi chó.
Bình luận (0)