Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dân khổ vì chờ dự án

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình anh Nguyễn Thành, khu phố 7, phường 5, Đông Hà có 6 thành viên, nhưng chỗ ở chỉ có 8m2

Suốt hơn 10 năm mòn mỏi trong tình trạng chờ… quy hoạch, hàng chục hộ dân ở phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) lâm vào cảnh “đi thì không nỡ, ở cũng không xong” khi nhà cửa xuống cấp, con cái ra riêng không được cấp phép xây nhà trên chính khu đất của mình sở hữu, cũng không thể chuyển đi nơi khác vì chưa được cấp đất tái định cư mới…

Quy hoạch chờ… dự án

Ngày 4-6-2004, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 1560/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết khu lâm viên Cọ Dầu – hồ Trung Chỉ, thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích đất được quy hoạch là 233,2 héc-ta, trong đó phần ghép nối bổ sung gồm 45,31 héc-ta (trong số này có 2,73 héc-ta đất dân cư), phần quy hoạch mới 187,89 héc-ta. Để đảm bảo quy hoạch, chính quyền các cấp và ngành chức năng đã nghiêm cấm người dân cơi nới, xây dựng mới nhà cửa. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, quy hoạch vẫn chưa thực hiện được, cũng chưa thu hút được bất kỳ dự án nào, điều đó khiến hàng chục hộ dân sinh sống ở đây đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Nguyễn Bá Thi, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (thành phố Đông Hà) cho biết: “Tại thời điểm năm 2012, khu phố 7, phường 5, Đông Hà có 78 hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch. Đến nay có 82 hộ với trên 400 nhân khẩu nằm trong khu vực này. Trong đó, có 53 hộ kê khai ở trước năm 2005. Trong 53 hộ này có 25 hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hình thức viết tay có xác nhận của UBND phường, 13 hộ có hồ sơ thửa đất trong bản đồ địa chính năm 2000; 15 hộ chỉ có giấy tờ viết tay giữa bên mua và bên bán. Số còn lại 29 hộ được xác định sử dụng đất và xây dựng nhà ở sau năm 2005 (sau quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị).

Mặc dù quy hoạch đã lâu nhưng địa phương không có kinh phí để đầu tư thực hiện dự án, cũng không thu hút được bất kỳ dự án nào đến đầu tư xây dựng, nên đã gây ra không ít khó khăn cho những hộ dân vốn đã sinh sống ở đây từ trước, và chính quyền cơ sở cũng rất khó quản lý, giải quyết những trường hợp tự mua bán đất, xây dựng hoặc cơi nới thêm nhà cửa để sinh sống… Ông Thi nói: “Để đảm bảo khu vực quy hoạch của dự án, UBND phường 5 đã rất kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, bà con ở đây đa số là hộ nghèo và cận nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, nhà cửa đều tạm bợ. Việc họ ky cóp được vài chục triệu đồng để tiến hành cơi nới xây dựng thêm chỗ ở cho con, cháu do chỗ ở hiện tại quá chật chội là việc không dễ dàng gì…”.

Dân khổ vì chờ quy hoạch

Sống trong tình trạng “treo” khiến nhiều người dân phấp phỏng không yên, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến gần. Đơn cử như gia đình ông Đặng Thanh, khu phố 7, phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) được UBND phường 5 xác nhận đã khai hoang phục hóa hơn 10.000m2 đất tại khu phố này từ năm 1996. Đến nay, đã gần 20 năm, nhưng ông Thanh vẫn không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tương tự, gia đình bà Võ Thị Lam (60 tuổi) có 6 thành viên, hàng chục năm qua đều sinh hoạt chung trong ngôi nhà cấp 4 rộng hơn chục mét vuông, đã xuống cấp cũ nát…

Mớ đồng hồ, dây điện rối rắm trên chiếc cột tạm bợ, nhưng ngành điện lực không thể cải tạo do vướng khu quy hoạch của dự án

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà cho biết, thực tế chỉ có hơn chục hộ dân ở trước quy hoạch của tỉnh, số còn lại đều là dân “nhảy dù”. Đa số họ đến đây do công việc kinh doanh bị thua lỗ, không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn… Sau nhiều năm quy hoạch, nhưng địa phương không có điều kiện thực hiện dự án, việc thu hút đầu tư cũng khó khăn và trước mong muốn đảm bảo về chỗ ở của bà con, UBND thành phố Đông Hà đã tạo điều kiện cho những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ đất ở) xây dựng nhà cửa từ 2 tầng trở xuống. Riêng những hộ dân “nhảy dù” mỗi khi xây mới hay cơi nới xây dựng thêm đều bị xử lý theo quy định nhằm đảm bảo khu vực quy hoạch dự án.

Trường hợp, để có chỗ che mưa tránh nắng an toàn, người dân cam kết với chính quyền nếu được xây dựng chỗ ở tạm thời, đến khi tỉnh triển khai dự án, bà con sẵn sàng tự tháo dỡ mà không yêu cầu bất cứ bồi thường nào. Ông Thắng cho rằng, đối với UBND thành phố là phải quản lý, đảm bảo khu vực đất đã quy hoạch của tỉnh, mà không có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng như trên của bà con. Trong trường hợp giải quyết cho bà con về chỗ ở để phần nào ổn định cuộc sống, chẳng hạn như quy hoạch một khu đất tái định cư lân cận nằm trên diện tích đã quy hoạch nhưng ít quan trọng, thì điều đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Thiên Phúc

“Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về quy hoạch khu lâm viên Cọ Dầu – hồ Trung Chỉ có tầm nhìn đến năm 2020. Qua hơn 10 năm, sau quy hoạch, vừa qua có một nhà đầu tư đến khảo sát, nhưng rồi họ không quay trở lại. Trong khi đó, tỉnh rất khó khăn về nguồn vốn; việc đầu tư một khoản kinh phí lớn để xây dựng một công trình nào đó xứng tầm trên diện tích đất đã quy hoạch này là rất khó khăn, không thực hiện được” – ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ!

 

Bình luận (0)