Từ khi khởi công tòa nhà cao tầng do Công ty CP Địa ốc 8 và Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư cũng là lúc người dân ngụ tại đường 1107, KP2, P.5, Q.8 phải sống chung với ô nhiễm, thiếu an toàn.
Môi trường ô nhiễm, đường sá xuống cấp… là cảnh tượng lâu nay ở đường 1107, KP2, P.5, Q.8 (ảnh chụp ngày 11-9-2009)
|
Công trình “giết” môi trường!
Có đến đây mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân sống quanh công trình này. Đoạn cuối đường 1107 nát như tương, lầy lội, nhem nhuốc. Bê tông thừa đổ tràn lan khiến mặt đường chỗ thành “núi”, chỗ bị xe băm nát thành vũng sình lầy lội, nhếch nhác. Đặc biệt, nhìn khu nhà tạm cho công nhân làm việc tại đây càng thêm ngán: quần áo phơi lung tung, rác vứt bừa bãi khắp nơi. Khu nhà xây trên nền đất trước đó là con kênh nên hệ thống thoát nước tại đây hoàn toàn bị tê liệt. Ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị của công nhân rất kém. Anh Ngô Đắc Trung, người dân sống gần đó bức xúc: “Do san lấp con kênh làm khu nhà tạm cho công nhân thi công công trình này ở nên trời mưa nước không biết chảy đi đâu. Hơn nữa, khi thi công, bê tông thừa đổ ra đầy đường khiến mặt đường gồ ghề, lồi lõm, nước đọng… nên người dân đi lại rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn. Hàng quán tạm bợ bày bán lấn ra đường, lều bạt che chắn vô tội vạ. Công nhân lưu trú trong nhà tạm vứt rác bừa bãi, phơi quần áo dọc đường trông mất mỹ quan. Nước sinh hoạt thải tràn lan, nhà vệ sinh hạn chế đã làm môi trường ô nhiễm nặng. Đáng nói là từ khi có công trình, người dân ở đây liên tục mắc bệnh sốt xuất huyết vì muỗi phát sinh từ những ao nước đọng”.
Nói xong, anh Trung liệt kê ra danh sách khá dài những người dân bị sốt xuất huyết trong thời gian gần đây. Anh Nguyễn Thanh Lâm, nhà ở gần công trình cho biết: “Ngày nắng bụi bay mù mịt, ngày mưa thì lầy lội. Nhiều đoạn đường ổ voi gập ghềnh, học sinh đi học thường xuyên bị té ngã, người già đi lại khó khăn. Đơn vị thi công công trình này không quan tâm đến môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân”.
Ngoài ra, chỉ đoạn ngắn cuối đường 1107 này đã có đến 5 điểm trung chuyển cát. Đặc biệt, vào ban đêm xe ben ra vào chở cát gây tiếng ồn khiến người dân mất ngủ, đường sá xuống cấp nặng. Được biết, đây là khu vực giáp ranh giữa KP2, P.5, Q.8 và ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh mật độ dân cư rất đông nhưng chỉ có một con đường đi ra bên ngoài là đường 1107.
Phải đảm bảo vệ sinh môi trường
Sau nhiều lần phản ánh trực tiếp với đơn vị thi công cũng như phản ánh với chính quyền, ngày 21-8-2009, người dân địa phương đã cùng ký vào đơn kiến nghị, trình lên UBND P.5, Q.8 nhờ can thiệp. Một người dân cho biết: “Khi phản ánh, lãnh đạo UBND P.5 yêu cầu chúng tôi trình bày bằng văn bản. Chúng tôi đã gửi đơn cho lãnh đạo UBND P.5 từ ngày 21-8-2009 nhưng đến nay (11-9-2009) chưa thấy họ giải quyết, đơn vị thi công vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường”. Nhiều người đã thắc mắc: “Đây là khu vực trung tâm, là bộ mặt đô thị của quận. Từ cơ quan hành chính quan trọng như Đảng ủy, UBND Q.8 cho đến Nhà Văn hóa thiếu thi, sân vận động… đều ở gần đây. Không hiểu sao lãnh đạo địa phương không quan tâm. Tình trạng này tồn tại lâu nay và có thể sẽ tiếp tục kéo dài vì công trình này phải thi công mất mấy năm nữa mới hoàn thành”.
Một cán bộ địa phương cho biết: “Khi người dân phản ánh, Mặt trận Tổ quốc phường cũng đã làm việc với đơn vị phụ trách công trình này. Họ có ghi nhận, gật đầu rồi thôi chứ không thấy khắc phục gì”. Ông Lê Đạt Khương, Phó chủ tịch UBND P.5, Q.8 cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn kiến nghị của người dân và đang tiến hành giải quyết. Đây là công trình do Công ty CP Địa ốc 8 liên kết với Công ty CP Him Lam làm chủ đầu tư. Trước đây, xét điều kiện, chúng tôi có đồng ý để đơn vị thi công công trình này dựng khu nhà tạm cho công nhân ở. Tuy nhiên, trong quá trình ở, họ không đảm bảo vệ sinh môi trường, làm mất mỹ quan đô thị nên chúng tôi đang tiến hành buộc họ tháo dỡ khu nhà tạm. Đồng thời, buộc đơn vị thi công làm sạch phần bê tông thừa đổ lại trên đường. Trạm trộn bê tông cũng vậy, nếu làm ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi sẽ buộc họ di dời chỗ khác. Đối với hệ thống thoát nước, chúng tôi sẽ làm việc với nhiều đơn vị có liên quan để khắc phục. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị này ký hợp đồng với Công ty Dịch vụ công ích để làm vệ sinh. Trong 5 điểm trung chuyển cát, hai điểm mới đây là do Phòng kinh tế của quận cấp giấy phép. Nếu đúng như người dân phản ánh, chúng tôi sẽ kiến nghị rút giấy phép”.
Bài và ảnh: Công Việt
Bình luận (0)