Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Dân khổ vì công trình “rùa”

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân quá ngán ngẩm với cảnh kẹt xe do lô cốt

Hình ảnh các công trình thi công kiểu rùa bò, nằm ì kéo dài từ tháng này sang tháng khác không còn xa lạ với người dân thành phố. Bởi ngày nào người đi đường cũng chịu đựng cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông, khói bụi, ồn ào, còn những hộ dân buôn bán chẳng may có rào chắn án ngữ trước nhà thì tình hình kinh doanh theo đó cũng trở nên ế ẩm.
Điểm mặt công trình quá hạn
Trên đường Lê Văn Sỹ, đoạn từ giao lộ Hoàng Văn Thụ đến đường Bùi Thị Xuân, quận Tân Bình, xe máy phải chen chúc nhau để di chuyển vì phần đường lưu thông quá hẹp. Trong khi đó, rào chắn công trình thi công gói thầu 11B-1 mở rộng, thay thế tuyến ống cấp 2 và 3, do Công ty Liên doanh xây dựng VIC chi nhánh TP.HCM vẫn còn án ngữ dù thời gian thi công đã hết (22-2/22-4-2010) khiến người dân bức xúc. Vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên.
Tương tự, trên đường Lũy Bán Bích, đoạn từ giao lộ Âu Cơ thuộc phường Tân Thành đến ngã tư Lũy Bán Bích – Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú có 8 rào chắn công trình nằm nối tiếp nhau gây khó khăn trăm bề cho người dân nơi đây. Đây là hạng mục thi công ống cấp 2 và 3 lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm – gói thầu TH 5 thuộc công trình tiểu dự án TP.HCM, do Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư. Do không hoàn thành thi công đúng thời hạn (6-2-2010) nên chủ đầu tư xin gia hạn tới 22-4, thế nhưng đến nay công trình này vẫn còn dở dang. Điều đáng ngạc nhiên là, theo quan sát của chúng tôi, bên trong các rào chắn này hầu như không một bóng công nhân nào làm việc.
Đường Trần Bình Trọng (quận 5) là một trong những con đường có tiến độ thi công chậm chạp nhất. Bắt đầu từ giao lộ Trần Phú đến Hùng Vương, toàn bộ đường Trần Bình Trọng kín như bưng bởi “lô cốt” án ngữ. Cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn từ khi công trình này xuất hiện. Tại bảng thông báo thông tin của dự án có ghi rõ thời gian thi công từ ngày 6-4-2008 đến 11-3-2009, do Công ty Shimizu thi công. Tuy nhiên, đến nay rào chắn vẫn nằm im lìm.
Thi công kiểu “hành dân”
Chủ trương nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nhằm giảm thiểu tình trạng kẹt xe và ngập nước là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với kiểu thi công như rùa bò, các công trình đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Cụ thể, trên đường Hoàng Văn Thụ, đoạn qua Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) từ khi có rào chắn công trình, tình trạng kẹt xe diễn ra như cơm bữa. Vào giờ cao điểm, hàng trăm xe nối dài, chật kín, chen chúc nhau để di chuyển từng chút một. Xe máy đi vào làn xe ô tô và ngược lại, rối như tơ vò. Các tuyến đường vệ tinh xung quanh như Nguyễn Trọng Tuyển, Phạm Văn Hai cũng bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng kẹt xe trên.
Trước Tết, khi các rào chắn trên đường Nguyễn Kiệm (đoạn từ ngã tư Phú Nhuận đến giao lộ Thích Quảng Đức) được tháo dỡ, người dân thở phào nhẹ nhõm. Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi đến nay đã có hơn 5 rào chắn công trình mọc lên trên đoạn đường dài chưa tới 800m này. Chú Năm, hành nghề xe ôm tại ngã tư Phú Nhuận bức xúc: “Không biết thi công kiểu gì mà năm này sang tháng khác vẫn chưa xong, tháo đi rồi rào lại miết. Cuộc sống người dân ở đây khổ lắm”.
 Trong khi đó, bà Bùi Thị Thư, người dân trên đường Lũy Bán Bích cho biết: “Lô cốt kéo dài làm cho tuyến đường này thường xuyên trong tình trạng kẹt xe và quá tải. Vào những giờ cao điểm, hàng dài những xe gắn máy nối đuôi nhau đi vào đoạn đường hẹp do bị chắn bởi lô cốt. Nếu chẳng may kẹt xe thì việc hít khói xe cùng với bụi đường thi công là điều bình thường. Bên cạnh đó, hành lang rào chắn công trình lại không được an toàn, nhiều miếng chắn siêu vẹo hoặc bóc đi ra, rất nguy hiểm”.
Những lô cốt trên đường không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại mà tạo ra khá nhiều trở ngại cho quá trình buôn bán của nhiều cửa hàng. Nhiều thương nhân ở hai bên đường bị lô cốt che mất lối đi đã mất mối làm ăn, buôn bán ế ẩm do khách hàng thấy khổ nên ngại vào. Chị Dương, chủ một quầy thuốc Tây nói: “Trước kia, việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi, nhưng từ khi rào chắn công trình mọc lên cửa tiệm trở nên ế ẩm. Giá thuê nhà hơn 6 triệu đồng/ tháng mà nhiều tuần nay tôi chẳng buôn bán được gì, sắp tới chắc phải chuyển đi nơi khác thôi”.
Việc các công trình quá hạn thi công vẫn nghiễm nhiên án ngữ lòng đường trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống thường nhật của người dân thành phố. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng có biện pháp như thế nào để hạn chế việc thi công trễ hạn quá thường xuyên của các nhà thầu? Bao giờ người dân mới hết khổ vì nạn “lô cốt” như hiện nay.
Bài, ảnh: Lê Thị Bích Chi
Sở Giao thông vận tải TP.HCM quy định sẽ xử phạt nếu đơn vị thi công nào không đặt bảng công bố thông tin dự án, bao gồm các khoản mục như: tên dự án, tên chủ đầu tư, đơn vị thi công, thời gian từ lúc khởi công đến khi hoàn thành công trình… Nhưng, để đối phó với quy định trên, ở một số bảng thông báo, thời gian thi công đã bị bôi xóa, chỉnh sửa để kéo dài thời hạn hoàn thành.

Bình luận (0)