Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dân khổ vì cứ mưa là ngập

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ mới trải qua vài cơn mưa lớn đầu mùa, nhiều khu vực ở 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã ngập sâu, nhiều nơi nước tràn vào nhà khiến người dân khổ sở. Trong khi đó, các công trình thoát nước trên địa bàn chậm triển khai, chậm tiến độ, khiến tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng.

Đường Đồng Khởi, phường Tân Phong (TP Biên Hòa, Đồng Nai)  bị ngập nước sau cơn mưa tối 4-5-2022. Ảnh: HOÀNG BẮC
Đường Đồng Khởi, phường Tân Phong (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị ngập nước sau cơn mưa tối 4-5-2022.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau các trận mưa vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhiều nơi trên địa bàn TP Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) ngập nước, nhiều tuyến đường ngập sâu gần nửa mét, kéo dài nhiều giờ.
Cụ thể trên tuyến đường C1, D1, X1, Lê Thị Trung (phường An Phú, TP Thuận An); đường Lê Hồng Phong (phường Dĩ An), Nguyễn Thị Minh Khai (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An) nước ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy phải dắt bộ. Ông Võ T.A. (ngụ khu phố 3, phường An Phú) cho biết, cứ đến mùa mưa, cả gia đình phải chắn bao cát trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà, vì đoạn đường C1 trũng, ngập nhanh.
Cơn mưa lớn ngày 5-5 kéo dài kết hợp với thủy triều trên sông Sài Gòn dâng cao đã làm hàng chục căn nhà ở khu vực ven sông đường An Thạnh 10 (phường An Thạnh, TP Thuận An) ngập khoảng nửa mét khiến nhiều vật dụng hư hỏng, người dân thức trắng đêm chờ nước rút để dọn vệ sinh. Còn trên quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn TP Thuận An càng nghiêm trọng hơn khi nước mưa từ trong các khu dân cư đổ ra kết hợp với nước dồn ứ trên mặt đường gây ngập úng kéo dài, nhiều thời điểm giao thông qua khu vực bị tê liệt do xe chết máy hàng loạt.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ phường Bình Hòa, TP Thuận An) ngao ngán: “Năm nào cũng vậy, cứ mưa lớn khoảng 1 giờ đồng hồ là ngập từ các hẻm ra tới quốc lộ, làm xáo trộn mọi sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”.
Nguyên nhân chính được người dân phản ánh là do hệ thống thoát nước chủ yếu tiếp nhận nước mặt đường, trong khi hệ thống thoát nước ở các khu dân cư xây dựng chưa đồng bộ, khi mưa lớn sẽ chảy hết về tuyến quốc lộ 13 gây ngập sâu cục bộ.
Ngoài ra, việc triển khai các phương án thi công hệ thống thoát nước khu vực Bình Hòa (TP Thuận An) đã làm hẹp dòng chảy tới khu vực hạ lưu và việc xây dựng trục thoát nước Bưng Biệp – Suối Cát (TP Thủ Dầu Một) chậm nên việc xử lý các điểm ngập còn nhiều hạn chế.
Tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cũng có nhiều khu vực hễ mưa lớn là xảy ra ngập nặng. Đó là khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Bùi Trọng Nghĩa với đường Đồng Khởi), mỗi khi có trận mưa kéo dài khoảng 30-45 phút lại ngập nặng, khiến các phương tiện lưu thông bị ùn tắc hàng cây số. Nhưng ngập “kinh niên” nhất là tại vòng xoay cổng 11 (giao giữa phường Long Bình và Phước Tân). Sau cơn mưa ngày 4-5, khu vực này ngập sâu, xe cộ bì bõm trong dòng nước xoáy xiết. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục khả thi.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, dù UBND tỉnh đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng, bố trí nguồn vốn giải quyết tình trạng ngập nước nhưng hiện còn khá nhiều điểm ngập (58 điểm). Đáng chú ý tại thị xã Bến Cát đã phát sinh thêm 9 điểm ngập, các địa bàn còn lại đều xuất hiện thêm điểm ngập mới, khiến việc đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình tiêu thoát nước càng cấp thiết.
Mới đây, ngày 5-5, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi Sở GTVT và Tổng Công ty Becamex IDC về việc triển khai đầu tư mới, cải tạo mở rộng các tuyến cống thoát nước để xử lý điểm ngập dọc tuyến đường quốc lộ 13 (đoạn qua phường Lái Thiêu); thực hiện các phương án đấu nối thoát nước từ quốc lộ 13 ra kênh Bình Hòa (thực hiện cùng với việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13). Đặc biệt, Tổng Công ty Becamex IDC cùng các đơn vị liên quan cần khẩn trương triển khai đầu tư tuyến cống thoát nước để chuyển hướng thoát nước của lưu vực rộng 193ha (thuộc khu dân cư Việt Sing) sang kênh thoát về Suối Đờn (TP Thuận An), giúp giải quyết các điểm ngập sâu trên địa bàn TP Thuận An, Thủ Dầu Một.
Ngoài nguyên nhân do hạ tầng giao thông xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp thì tình trạng xả rác của người dân làm bít các miệng cống, rãnh thoát nước cũng làm gia tăng tình trạng ngập. Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1-2022 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai Lê Quang Bình đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường, tại chân các dải phân cách, các vị trí hố ga thu nước, lưới chắn rác, miệng cống. Đồng thời, lực lượng công an các phường, xã có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, gây mất an toàn giao thông, gây ngập úng.
XUÂN TRUNG (theo SGGP)

Bình luận (0)