Ông Trung đang chỉ phần đất bị tranh chấp |
Dự án mở đường Sông Trường – Trà Bồng – Bình Long (tiểu dự án quốc gia) bắt đầu triển khai thì người dân thuộc xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại nảy sinh hận thù, ganh ghét. Vì sao vậy?
Đi nhận tiền đền bù, gặp… tranh chấp
Khi gần 200 hộ dân được nhận đủ 100% tiền đền bù thì hộ ông Lâm Văn Trung bị UBND huyện Bình Sơn “giữ lại” 70% tiền đền bù. Trước sự bất công này, gia đình ông Trung đã gửi đơn kêu cứu đến Báo Giáo Dục TP.HCM. Ông Trung trình bày: “Vào cuối năm 1987, tôi có khai hoang được một số đất thuộc xứ Đồng để làm hoa màu, trồng cây và từ đó đến nay, không có một cá nhân nào đến tranh chấp hay một cán bộ nào đến cản trở và thu hồi đất của tôi”.
Tiểu dự án Sông Trường – Trà Bồng – Bình Long có chiều dài trên 60km, nối liền hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và liên thông với đường Hồ Chí Minh. Con đường đi qua 8 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Quảng Ngãi (Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tịnh và Bình Sơn), có trên 1.420 hộ dân bị giải tỏa. Tổng mức đầu tư của tiểu dự án trên 730 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (2008-2010) và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.
Khi dự án được triển khai, Ban đền bù giải phóng mặt bằng đã khảo sát và xác định phần đất ông Trung nằm trong diện đền bù với khoảng 3.000m2. Từ khi áp giá và ấn định số tiền được nhận tại UBND xã Bình Chương (ngày 25-10-2007) thì không có ai tranh chấp. Nhưng ngày 25-9-2007, đúng lịch hẹn, ông Trung đến UBND xã Bình Chương để nhận 153 triệu đồng tiền đền bù thì có ông Phạm Văn Tình (người cùng xóm) tranh chấp. Ông Tình cho rằng trong khu đất của ông Trung có 200m2 đất của mình.
Đáng nói là tại địa phương, gần 200 hộ dân có phần đất thuộc diện đền bù từ tiểu dự án đều khai hoang trước năm 1993, điều kiện canh tác và sở hữu đất hoa màu giống nhau và đều được đền bù 100% như hộ ông Phạm Sơn, Phạm Á, Nguyễn Phú Lên, Huỳnh Văn Toàn…!?
Quyết định một đằng, dân xác nhận một nẻo
Sau thời gian ông Trung phản ánh với cơ quan chức năng, ngày 19-10-2009, ông Phạm Phương – Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn có Quyết định số 3013/QĐ-UBND trả lời cho ông Trung. Theo quyết định này, phần đất mà ông Phạm Văn Tình tranh chấp với hộ ông Lâm Văn Trung là không có cơ sở. Ông Tình dựa vào đất sản xuất của ông Huỳnh Thông (nay sống ở tỉnh Đồng Nai) đi kiện ông Trung là trái với quy định của pháp luật. Do đó, ông Trung được bồi thường, hỗ trợ 100% trên mảnh đất bị ông Tình tranh chấp “oan” này. Tuy nhiên, UBND huyện vẫn “quyết” giữ lại 70% với lý do có 8 thửa đất do Hợp tác xã Nông nghiệp 1 (HTXNN1) Bình Chương quản lý trồng cây lâm nghiệp từ năm 1983 và khai thác cây năm 1989. Cũng trong năm 1989, HTXNN1 Bình Chương giao khoán cho ông Nguyễn Văn Miên chăm sóc, bảo quản cây tái sinh trong thời hạn 5 năm (từ 1989 đến 1994) theo hình thức phân chia theo tỷ lệ theo hợp đồng số 11/HĐ-SX ngày 14-11-1989. UBND huyện cho rằng ông Trung đã chiếm phần đất của ông Nguyễn Văn Miên; quyết định chỉ hỗ trợ cho ông Trung 30% chi phí đầu tư vào đất và bồi thường tài sản trên đất.
Ông Trung cho biết ông đã canh tác trên mảnh đất này hơn 20 năm nay, không có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tranh chấp. Ngày 3-11-2009, ông Miên xác nhận rằng: “Ông Trung canh tác trên đất ấy từ năm 1988 cho đến nay hoàn toàn không “đụng” đến diện tích đất trong hợp đồng của tôi với HTXNN1". Như vậy, UBND huyện kết luận không như ông Miên xác nhận. Bên cạnh đó, hơn 15 hộ sống trong địa phương đều có xác nhận đất ông Trung canh tác ổn định từ khoảng năm 1987 (trước ngày 15-10-1993).
Sự thật đã được phơi bày, tại sao lại có chuyện lập lờ trong việc đền bù cho người dân. Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải tỏa nỗi bức xúc của hộ ông Lâm Văn Trung. Báo Giáo Dục TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh sự việc đến bạn đọc.
Sau khi có việc tranh chấp đột ngột và khó hiểu, ông Trung đã gửi đơn đến UBND xã và chỉ nhận được là những “lời hứa”. Tiếp đến, ông gửi đơn đến UBND huyện Bình Sơn, ông nói: “Cứ mỗi tháng 2 lần vào ngày 10 và 20 hàng tháng là tôi đến phòng tiếp dân của huyện. Tôi đi hoài và đi mãi mà UBND huyện luôn hứa hẹn; không những không giải quyết mà còn hù dọa tôi là để cho đơn vị thi công trước rồi giải quyết sau, chứ cản trở là họ bắt nhốt”. |
Kim Long
Bình luận (0)