Thời bao cấp, đan len là một cách kiếm thêm thu nhập của nữ công chức như giáo viên, y tế, tiểu thương… rảnh lúc nào đan lúc đó. Các sản phẩm len (áo, khăn quàng, mũ) đều làm thủ công, đan bằng tay.
Trước đây, nghề đan len hoạt động trong gia đình, mẹ con, chị em bày vẽ cho nhau. Sản phẩm cũ tháo ra, giặt sạch, rồi đan lại. Hơn nhau ở kỹ thuật đan nhiều kiểu khó, tỉ mỉ, phối màu… Khách hàng đòi hỏi mẫu mã, pha màu, họa tiết, kiểu dáng… Đan một chiếc áo len thủ công mất từ 10-15 ngày, người đan giỏi vừa đọc sách, trò chuyện, vừa làm nhanh như máy. Giao hàng, khách không vừa ý phải tháo ra đan lại.
|
Nghề đan len lại được yêu thích.
|
Dần dần, những chiếc khăn quàng cổ, đôi găng tay, bít tất len xinh xắn… xuất hiện trên thị trường hàng len, nghề đan len có việc làm đều hơn, thu nhập cao hơn. Trào lưu mới là tặng người thân một chiếc khăn quàng, con búp bê xinh xắn bằng những sợi len sặc sỡ tết lại.
Ở Huế thời ấy, có một con phố chuyên bán len và nhận đan áo len, là phố “ngã giữa” – đường Phan Đăng Lưu bây giờ. Tiệm nổi tiếng nhất là “Thu Đông”. Mỗi lần đi ngang đó, các nữ sinh thường dừng lại ngắm nghía, ngắm thôi chứ làm gì có tiền mua, và học thêm những kiểu đan mới. Tính theo thời giá hiện nay mỗi chiếc áo tiệm ấy bán, bằng một tháng lương công chức!
Nhưng chỉ được vài năm khấm khá. Khi các loại máy đan của Liên Xô và Đông Âu ồ ạt nhập vào, thì nghề đan thủ công điêu đứng. Năm 1990, bắt đầu có len ngoại nhập, len Tiệp và len Trung Quốc nhiều nhất… Người có vốn sắm máy đan, thành lập hợp tác xã gia công, tìm thợ hợp đồng. Thế là nghề đan len bằng tay hết đất sống, âm thầm tàn lụi.
Thỉnh thoảng mới có khách hàng đến đặt đan áo là du học sinh nước ngoài, Việt kiều. Họ khôn thật! Ở nước ngoài, các sản phẩm thủ công đều đắt gấp bội mặt hàng do máy móc sản xuất hàng loạt. Những áo len đan tay, chỉ các nhà giàu, ngôi sao trong giới showbitz mới dám đặt hàng. Tại nước Anh có cả sách dạy đan len, trường dạy đan len, khi tốt nghiệp được cấp bằng master (trường nghề Central Saint Martens).
Bây giờ, nghề đan len lại có vẻ sống dậy. Dạo chợ Đông Ba (Huế) thấy lèo tèo vài hàng bán len, que đan. Theo bà Hương -chủ một cửa hàng thì giá len 8.000 đến 35.000 đồng/cuộn, muốn đan một chiếc khăn quàng dài khoảng 1,5m thì phải mua từ 2 đến 4 cuộn len. Như vậy, hàng len thủ công không rẻ chút nào. Muốn học đan thì lên trang web “danmoc.net”.
Nghe nói ngày xưa Trường Đồng Khánh (Huế) có giờ học nữ công gia chánh, học đan len, thêu thùa, may vá… Học hành nghiêm túc, chứ không học “lý thuyết” suông như mấy trung tâm dạy hướng nghiệp, chỉ học để có điểm cộng vào kỳ thi tốt nghiệp! Cho nên, nghề đan len chỉ còn tồn tại ở những làng quê, hoặc ra hẳn phố thị với những con phố bán len, kiêm bán các loại khăn mũ từ len. Và giá cũng rất đắt.
Nghề đan len đang chờ được khôi phục theo hướng- như cách làm của nước Anh- là đào tạo ra những cử nhân đan len, để có những sản phẩm độc đáo, tài hoa từ len mà không máy móc nào làm nổi.
Theo Vũ Hào
(Dân Việt)
Bình luận (0)