Trong khuôn khổ dự án “Đô thị giảm nhựa”, các tiểu thương ở chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống lâu đời tại TP.Đà Nẵng – đang từng bước thực hiện việc kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách dán nhãn sinh thái cho sản phẩm kinh doanh…
Thí điểm mô hình giảm thiểu rác thải nhựa
Khảo sát của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) – Việt Nam tại chợ Hàn (TP.Đà Nẵng) năm 2021 cho thấy, lượng chất thải rắn từ chợ mỗi ngày dao động từ 800-1.000kg, trong đó rác thải nhựa chiếm 15,1% và đa số là rác từ nilon. Qua đó, WWF khẳng định, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong hoạt động mua bán tại chợ Hàn, hướng tới mua sắm bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon là vấn đề rất cần thiết.
Năm 2022, Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy và dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức tài trợ thông qua WWF tại Việt Nam chọn chợ Hàn thực hiện thí điểm mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” trong khuôn khổ dự án “Đô thị giảm nhựa”. Mục đích, nhằm hướng tới khuyến khích tiểu thương và người tiêu dùng giảm sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa một lần.
Chị Nguyễn Thu Thủy – một tiểu thương tham gia mô hình quầy hàng sinh thái tại chợ Hàn – chia sẻ, qua nhiều kênh thông tin, chị biết thêm được tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống rất nghiêm trọng. Vì vậy, khi được ban quản lý chợ phát động mô hình, chị cùng các tiểu thương khác rất vui và bắt đầu thực hiện. Cùng với việc sử dụng túi giấy thay túi nilon cho những mặt hàng thực phẩm khô, mỗi lần tiếp xúc với khách hàng chị đều giới thiệu về ý nghĩa của chiếc túi dán nhãn sinh thái để khách hàng hưởng ứng, chung tay bảo vệ môi trường.
“Tôi rất thích những chiếc túi giấy dán nhãn sinh thái này. Mỗi lần sử dụng để gói sản phẩm lại thấy vui vì những việc làm nhỏ của mình đã góp phần vào bảo vệ môi trường”, chị Thủy nói.
Tiểu thương Nguyễn Lan Vy phấn khởi: “Từ khi đăng ký bán hàng bằng túi dán nhãn sinh thái, tôi cũng yêu cầu phía cung cấp hàng hạn chế dùng túi nilon, thay bằng các sản phẩm có túi giấy mới nhập về. Khi khách mua hàng ở đây yêu cầu dùng túi nilon, tôi đều thuyết phục họ sử dụng túi giấy để vừa có tính thẩm mỹ, vừa bảo vệ được môi trường chung. Tôi thấy túi giấy nhìn đẹp mắt hơn túi nilon. Khi bán hàng cho khách du lịch tôi cũng cảm thấy món hàng của mình có giá trị hơn, thẩm mỹ hơn”.
Ông Nguyễn Trung Thành – Trưởng ban Quản lý chợ Hàn – thông tin, sau 2 năm triển khai, Ban Quản lý đã xây dựng được 32 quầy hàng dán nhãn sinh thái. Tại các quầy hàng thực hiện nhãn sinh thái, tiểu thương sử dụng túi giấy để thay thế túi nilon khi bán hàng cho khách. Chi phí mua túi giấy một phần được WWF – Việt Nam hỗ trợ. Bên cạnh đó, các tiểu thương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách thu gom các túi nilon sạch trong cộng đồng để tái sử dụng.
“Các nhóm ngành hàng, tiểu thương khi tham gia chương trình dán nhãn sinh thái sẽ được hưởng những cơ chế, quyền lợi cũng như khung chế tài riêng đối với các quầy hàng không thực hiện theo nội dung cam kết. Điều này không chỉ hướng tới thực hiện thành công mô hình thí điểm mà xa hơn là hình thành thói quen và nâng cao ý thức để tạo ra một cộng đồng vì môi trường sống”, ông Thành nói.
Cần sự chung tay của nhiều phía
Chợ Hàn là một trong 4 ngôi chợ lớn, lâu đời tại TP.Đà Nẵng. Ngôi chợ nằm ở trung tâm TP thu hút lượng khách du lịch rất đông. Việc thực hiện mô hình dán nhãn sinh thái cho túi giấy để đóng gói sản phẩm bán sẽ mang lại tín hiệu tích cực về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của tiểu thương và khách hàng đến chợ.
Mặc dù mô hình thí điểm bước đầu đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận nhưng câu chuyện về việc triển khai sâu rộng trong các tiểu thương với nhiều mặt hàng không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Theo các tiểu thương, túi giấy được cấp còn nhiều hạn chế. Đơn cử như khi dùng dễ bị rời ra nếu gặp tình trạng thực phẩm ướt, thời tiết mưa hoặc đựng đồ có trọng lượng nặng hơn tải trọng của túi. Ngoài ra, các loại túi chất liệu tái sử dụng có giá thành cao hơn túi nilon thông thường.
Sở Công thương TP.Đà Nẵng cho biết, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng văn minh thương mại tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động tiểu thương thực hiện kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường. Cùng với mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Hàn, nhiều ngôi chợ truyền thống lớn khác cũng được tuyên truyền, khuyến khích nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa. Đơn cử như chợ Đống Đa (quận Hải Châu), tiểu thương và người tiêu dùng sử dụng túi “đồng phục” khi đi mua hàng. Đây là những túi vải do Hội Phụ nữ Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng phát cho các tiểu thương, khách hàng khi đến chợ mua sắm để đựng hàng hóa thay vì sử dụng túi nilon dùng một lần. |
“Tôi bán mặt hàng trứng gà, vịt. Khi sử dụng túi giấy thì nhiều bà con mua hàng tỏ ra ái ngại vì họ cho rằng quai túi giấy dễ bị đứt, không an toàn cho việc đựng trứng. Giá túi cũng cao so với các loại khác. Thiết nghĩ, các đơn vị sản xuất nên có những cải tiến nhằm tối ưu hóa sản phẩm thì mới vận động được nhiều người sử dụng, tránh trường hợp phía trong sử dụng túi tái sử dụng còn phía ngoài lại phải bọc bằng túi nilon cho chắc chắn”, chị Thúy chia sẻ.
Theo ông Thành, cùng với việc triển khai thí điểm mô hình dán nhãn sinh thái tại các quầy hàng, Ban Quản lý chợ Hàn đã nâng cao ý thức tiểu thương và người dân bằng các hoạt động tuyên truyền qua loa, treo panô… Tuy nhiên, làm sao để mọi khách hàng khi đến chợ đều sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế túi nilon vẫn là câu chuyện dài, cần sự chung tay từ nhiều phía.
“Giá của túi giấy, các loại túi xách thân thiện môi trường hiện cao gấp nhiều lần so với túi nilon là vấn đề khiến tiểu thương e ngại trong việc đầu tư. Ban Quản lý chợ mong muốn nhận được sự quan tâm, tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ giá thành đối với những sản phẩm túi thân thiện môi trường tới từ cơ quan có thẩm quyền”, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, rác thải nhựa là bài toán khó giải quyết trong công tác vệ sinh môi trường do phát sinh từ các thói quen trong kinh doanh, mua sắm của người dân, nhất là trong các chợ truyền thống. Ban Quản lý chợ tiếp tục nỗ lực vận động giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Xác định tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” từng bước thay đổi thói quen của người dân chứ không thể “một sớm một chiều”.
Hàn Giang
Bình luận (0)