Sáng 3-12, tại TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Đại biểu dân cử các tỉnh phía Nam với chính sách, pháp luật về di dân”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì di dân tới vùng Đông Nam bộ là lớn nhất cả nước và có xu hướng ngày càng tăng.
“Người di cư (NDC) đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế ở địa phương mà họ tới. Cụ thể là cung cấp nguồn lao động đang thiếu hụt cho địa phương, trong đó có cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Trong quá trình di dân, NDC đã gửi tiền về quê giúp gia đình thoát nghèo hoặc không bị lún sâu vào đói nghèo. Đặc biệt, khi NDC gửi tiền về cho gia đình ở nông thôn thì gia đình không phải bán lúa gạo khi có nhu cầu sử dụng tiền mặt. Do đó đảm bảo an ninh lương thực chung cho đất nước…”, ông Nguyễn Đức Thụ – Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.
Riêng ở TP.HCM, theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP.HCM thì: “Hiện nay người là dân nhập cư từ các tỉnh khác đến TP.HCM chiếm 30,1% trong tổng số dân của thành phố. Đa phần sống ở các quận ven như Thủ Đức là 48,9%, Q.12 là 48,8%, Tân Phú là 47,7%, Gò Vấp là 41,7%, Q.7 là 37,8%, Bình Tân là 36,8%, huyện Bình Chánh là 32,5%. Trong đó có tới 30 phường, xã mà dân nhập cư chiếm 50-70%. Dân nhập cư đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố là 30% GDP. Bên cạnh đó, dân nhập cư còn góp phần đa dạng hóa nền văn hóa thành phố”.
70% NDC đến TP.HCM làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy – xí nghiệp. 97% trong số này phải sống trong các nhà trọ không đủ ánh sáng, chật hẹp, thiếu nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn các tiện ích để sinh hoạt văn hóa, giải trí thì quá xa xỉ đối với họ.
Kim Anh
Bình luận (0)