Cuộc “tranh đấu” giữa những người đàn ông hành nghề “bán hoa” vừa bi, vừa hài. Nó cho thấy một tệ nạn xã hội nhức nhối và suy đồi đạo đức của một số người đàn ông.
Tạt vào quán cóc ven hồ Thiền Quang (đoạn ngã ba Quang Trung – Trần Nhân Tông, Hà Nội), chúng tôi lại gọi nước trà. Người đàn bà bán nước đang ăn dở hộp cơm vội vàng buông đũa rót nước cho khách.
Trong khi nhâm nhi cốc trà đá, dẫu không cố tình nhưng tôi vẫn đánh mắt về phía hai cậu thanh niên đang ngồi trên bờ kè bồn hoa. Hai cậu này xem ra không phải khách hàng của cái quán cóc này, vì chẳng thấy ai trà lá gì. Khi thấy bà chủ quán cất tiếng sai một trong hai cậu đứng dậy lấy tiền vệ sinh (nhà vệ sinh công cộng ở gần quán nước) hộ chị công nhân đang ngáy khò khò trên ghế đá, tôi lại nghĩ khác.
Cầm 1.000đ vừa lấy được từ một vị khách nam, cậu thanh niên dáng cao, hơi gầy bảo: “U mà không bảo con ra lấy tiền nhanh, ông kia lại đi vệ sinh quỵt đấy”. “Hai cậu này là cháu của cô à?”, tôi hỏi. “Cháu chắt gì, thấy chúng nó hiền lành, lại hay bị bắt nạt nên tôi cho ngồi đây”. “Trông thanh niên trai tráng thế này mà cũng bị bắt nạt hả cô?”, tôi hỏi tiếp.
“Thằng T. (cậu thanh niên vừa đứng dậy thu tiền vệ sinh), hôm trước bị thằng V. đánh cho sưng hết mắt”, vừa nói người đàn bà vừa chỉ vào quầng mắt vẫn chưa tan hết vết thâm trên mắt T. cho tôi xem. “Cái thằng V. khùng ấy khủng khiếp lắm, cứ có cậu nào mới đến chỗ này “làm ăn” là nó hành cho khổ sở. Hôm nọ, nó bắt thằng C. cởi quần dài, chỉ mặc vẻn vẹn có chiếc quần sịp lội quanh hồ đấy”.
Bà bán nước cho biết thêm, V. là dân “bóng”, bình thường buổi tối vẫn đứng ở đây đón khách. Hôm trời tạnh cũng như hôm trời mưa, kiểu gì V. cũng kiếm bắt được 1-2 khách là người đồng tính nam. Từ hôm hai cậu này xuất hiện, tranh khách của nó nên nó thù.
Nhìn sang bên kia đường, tôi thấy “dì” H. đang ngồi trên xe đợi khách. Tôi biết “dì” H. từ lâu, bởi dì hoạt động trong một nhóm đồng đẳng của người đồng tính. Nghề của “dì” là làm xe ôm. Tôi còn được một người bạn của “dì” cho biết, vừa hành nghề xe ôm, “dì” vừa kiêm cả việc chăn dắt… trai.
Tôi không biết “dì” H. nói gì nhưng thấy T. đi theo “dì” về phía tôi. “Đi ăn trưa luôn nhé”, tôi đề nghị. “Dì” H. gật đầu, T. không phản ứng gì. T. trèo lên xe “dì” H, còn tôi đi theo sau. Đến ngã tư Phủ Doãn – Tràng Thi, xe của tôi hết xăng. Trong lúc phải dừng lại mua xăng, “dì” H. nhìn thấy cửa hàng bún riêu nên rủ cả bọn vào.
Trong lúc ăn, “dì” H. hỏi T. quê ở đâu. T. bảo quê Hải Dương. Nói rồi, T. cặm cụi ăn, tôi cũng rất đói nên không tham gia câu chuyện. Khi rời quán bún riêu, tôi rủ đi uống cà phê, “dì” H. bảo có biết một quán trà đá ở Quán Sứ, ngồi ở đấy nói chuyện thoải mái lắm.
Bằng cách hỏi chuyện theo lối trắc nghiệm, H. đã giúp tôi biết T. là một người đàn ông bình thường. Lúc đầu, khi quan hệ với khách, T. cũng rất sợ. T. bảo rằng chưa bao giờ cậu hình dung có kiểu quan hệ giữa đàn ông với đàn ông như thế. Khách của cậu chủ yếu là các “dì”. Các “dì” thuộc mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Có người cư xử rất nhã nhặn nhưng có người lại hành xử theo lối chợ búa.
Khi hỏi làm sao có đủ kinh nghiệm để đối đãi với tất cả những người này, T. bảo cậu chủ yếu im lặng. Im lặng, nhẫn nhục để lấy tiền ư? Tôi nói ra suy nghĩ này của mình và T. gật đầu xác nhận. Mỗi lần “đi khách”, T. được trả công 200.000-300.000đ. H. bảo, nếu so với mại dâm nữ, giá này cao hơn mấy lần. Nghe vậy, T. bảo không phải hôm nào cũng có khách.
Theo lời T, cậu sinh năm 1988, mới từ Hải Dương lên Hà Nội được 2 tháng. T. ngẫu nhiên dừng chân ở hồ Thiền Quang chứ chưa từng biết đây là điểm nóng về mại dâm nam. Đang ngồi chơ vơ ở ghế đá, có người đến bắt chuyện và rủ rê. Thấy hay hay với lại đang cần việc làm nên T. để người này dẫn dắt “đi làm”. Ban đầu, T. cũng thấy công việc này khá kỳ cục nhưng do kiếm tiền dễ nên…
Cũng theo lời T, việc cậu đi ra khỏi nhà là do bức xúc chuyện gia đình. Mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc khi T. mới 2 tuổi. Bố T. chờ đợi mấy năm không thấy mẹ trở về nên đi bước nữa. Do không có giấy khai sinh nên T. không được đi học và cũng không làm được các loại giấy tờ tùy thân.
Câu chuyện T. kể có bao nhiêu phần trăm sự thật, tôi không dám khẳng định. Có thể, đây là bài ca muôn thuở không chỉ của các cô gái “bán hoa” mà cả những chàng trai làm nghề này…
T. bảo để tránh bị Công an kiểm tra, cậu chỉ ngồi ở hồ ban ngày và về nhà trọ trước 23h. Mới tham gia “chợ tình” có 2 tháng mà T. khá khôn ngoan khi đối phó với các lực lượng kiểm tra. T. còn cho biết thêm, các chị em hoạt động mại dâm hay bị kiểm tra hơn, còn nam giới vì ít nên hay được bỏ qua.
Khi chúng tôi quay lại hồ Thiền Quang, trời lất phất mưa. H. dừng xe, T. nhảy xuống và chạy nhanh về nơi lúc trước là quán nước. Trời mưa, người bán nước rong đã thu dọn tìm nơi trú ẩn. Còn T., T. tìm nơi trú ẩn ở chỗ nào đây?
Theo dantri
Bình luận (0)