Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đàn ông ra chợ

Tạp Chí Giáo Dục

Từ xa xưa, đàn ông Việt vốn được coi là bậc trượng phu, luôn ra đời làm những việc lớn, ít khi đụng tay vào việc nấu ăn, dọn dẹp, buôn bán… vốn của phụ nữ. Ngày nay, rất nhiều đấng mày râu lại lấn sang nhiều nghề của các bà như may, sửa quần áo, nấu nướng trong quán ăn. Và cũng không ít người chịu khó thức khuya dậy sớm, bám chợ, buôn bán… nuôi sống gia đình.

Mày râu cũng tần tảo

Thời nay ra chợ, người ta gặp rất nhiều đàn ông. Một anh bán cá tươi, một ông già bán rau, một anh phụ vợ xay chặt, lọc thịt, một em trai bán trái cây, một ông lão bán sản vật miền Tây bên cạnh bà vợ bán hành tỏi, tính xa thêm thì có anh sửa đồ. Ngại ngùng là cảm giác chung của những người đàn ông trong những ngày đầu mưu sinh nơi kẻ chợ.

Anh Nguyễn Văn Toàn (44 tuổi, ở chợ Thị Nghè) kể, ngày vợ mang thai, thương vợ, anh đến chợ thay vợ buôn bán. Khi vợ bận chăm con, anh quyết định gánh luôn công việc chợ búa lâu dài. “Những ngày mới đi chợ, tôi ngại lắm. Cứ nghĩ đàn ông ai lại đi làm việc phụ nữ khiến tôi chọn những chỗ kín đáo, ít người qua lại để bày hàng. Ngồi bán thì cứ khép nép, chẳng dám mời khách. Vì thế bán chẳng ai mua, hàng hóa phải chở về nhà, ăn không hết, để lại hư. Sau này, tôi tự nhủ, ra đến chợ, ai cũng như ai, đều là công việc cả. Dần dần quen chợ, tui mạnh dạn mời mọc. Việc buôn bán cũng nhanh hơn”. Bây giờ, anh không còn e ngại, mà bán hàng “chuyên nghiệp” hẳn.

Một đấng mày râu mưu sinh bằng nghề sửa quần áo.

Không như anh Toàn, ông Lê Phước (56 tuổi, ở chợ Bà Chiểu) “bén duyên” với chợ bởi tuổi già sức yếu, không theo các công trình làm phụ thợ hồ nữa. Buôn bán ở chợ dù phải thức khuya dậy sớm, nhưng với ông, ít ra cũng nhàn nhã hơn nhiều công việc nặng nhọc ngoài kia. Ông kể: “Ngày đầu theo vợ ra chợ, tôi cứ lóng ngóng, chân tay chậm chạp hơn hẳn. Cứ nghĩ, mình đầu đã hai thứ tóc, còn ra chợ ngồi chồm hổm để kiếm tiền, thấy “mất mặt đàn ông”. Mấy bà đến mua hàng, cứ đưa mắt nhìn, tôi càng thấy bực. Lâu ngày buôn bán cũng quen; giờ, tôi đã thay đổi nếp nghĩ, đàn ông bươn chải ngoài chợ không còn là chuyện gì đáng ngại”.

Mỗi người đàn ông đến với chợ từ một cái duyên riêng. Nói như ông Phước: “Nghề nào rồi cũng như nhau, miễn kiếm được tiền một cách lương thiện. Làm công việc từng được mặc định là của phụ nữ, nhưng chúng tôi tự hào mình vẫn làm tròn trách nhiệm của một trụ cột gia đình”.

Các con đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận)… nổi tiếng là con đường thời trang. Và đây cũng là tụ điểm của cánh thợ may toàn là các … đấng mày râu. Anh Tùng, một thợ sửa quần áo lâu năm ở góc đường Trần Huy Liệu cho biết: “Mấy năm trước mình làm nghề này thấy sống cũng ổn nên rủ thêm anh em. Kể cũng lạ vì nghề may vá nhưng đàn ông làm nghề là phần nhiều”.

Những chia sẻ yêu thương

Ở chợ Cô Giang (quận 1) có một đôi vợ chồng trẻ mở quán nhỏ ngay tại nhà. Nơi đây là địa điểm của các bạn trẻ mê ăn vặt. Anh chồng là Lê Thành Đúng (29 tuổi) chuyên về các món chè và xiên que các loại, còn cô vợ là Nguyễn Thị Mai (22 tuổi) bán há cảo, hoành thánh, bánh tráng trộn ở sát bên. Thực khách nào ghé quán sẽ cùng được chứng kiến tài nghệ của cả hai vợ chồng hiếu khách.

Anh Đúng cười chia sẻ: “Thường thì hai vợ chồng hàng ai nấy bán, chỉ khi người kia bận việc thì mới phụ thêm, việc trong gia đình cũng vậy, vợ tôi vẫn là người nội trợ chính, bình thường thì nếu vợ nhờ thì giúp, khi nào vợ mệt thì tôi làm hết”.

Ở TPHCM, những xe bò bía thường là do đàn ông đứng bán. Ông Chu Văn Giáp (50 tuổi) có một xe bò bía ở chợ Cô Giang, từng là bộ đội Binh đoàn 12, sau khi giải ngũ, ông cũng từng làm nhiều nghề để lo kinh tế gia đình sau này tuổi cao lại muốn quay về với nghề xưa do bà nội chỉ dạy để phụ giúp kinh tế gia đình. Những cuốn bò bía hấp dẫn với tôm khô, trứng chiên, lạp xưởng, củ sắn, xà lách được ông Giáp thoăn thoắt thực hiện.

Hình ảnh những người đàn ông ra chợ giờ không còn xa lạ mà còn trở nên thân thiện và đáng trân trọng trong cuộc sống đời thường. Những công việc trước nay vốn được coi là của phụ nữ đã khiến họ trở nên gần gũi, thấu hiểu và trân trọng người phụ nữ hơn.

PHAN NGỌC

(SGGP)

Bình luận (0)