Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đàn ông vá lưới

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Túy (trái) đang vá lưới

Nghề vá lưới xưa nay thuộc về những người phụ nữ, tuy nhiên, đàn ông ở một vài địa phương miền biển đến với nghề cũng chẳng thua chị kém em.
Nghề không của riêng ai
Ông Nguyễn Túy, 57 tuổi ở thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận sinh ra trong một gia đình có ba đời theo nghề biển nhưng riêng ông chưa một lần ra khơi vì bị say sóng. Khi lập gia đình, ông không được lòng bên vợ cũng chỉ vì “dân biển” mà không theo được nghề biển. Lúc bấy giờ, để có cái nghề nuôi vợ con ông thường lang thang ở các xóm biển học lóm nghề vá lưới. Có cái nghề trong tay nhưng hiếm khi được thuê mướn vì hầu như nhà nào cũng có phụ nữ vá lưới. Không nản chí, ông khăn gói lên đường ra Phan Thiết hành nghề vá lưới thuê. Ở đây, ông được người ta tin tưởng bởi tay nghề thành thạo và đặc biệt ông lấy tiền công tương đối rẻ. Ông Túy tự hào, nói: “Tôi là người đàn ông làm nghề vá lưới thuê đầu tiên của thành phố Phan Thiết này và cũng có thể là người duy nhất mưu sinh bằng nghề của phụ nữ”.
Làm thuê một thời gian, ông Túy nảy ra ý định đan lưới bàn cho dân chài. Một đôi lưới lúc bấy giờ chỉ có vài chục ngàn đồng, ông lấy ngắn nuôi dài và mày mò đan thêm lưới ni lông, lưới vải để bán cho các ghe đánh bắt xa bờ. Ban đầu lưới đan xong rồi đem cất vào trong xó bếp vì chẳng ai đến hỏi mua. Bao nhiêu vốn liếng chôn vào trong tiền mua ni lông, cước, phao, chì… ông lại tiếp tục nghề vá lưới dạo. Ông Túy nhớ lại: “Lúc đó khổ đến mức không có cơm ăn, sáng sớm phải ra các bến cá đợi ghe vào xin mỗi ghe một ít cá vụn (dành để nấu cho heo ăn-NV) mang ra chợ bán để đổi gạo. Biển làm ăn được thì mình còn có công ăn chuyện làm, còn biển đói thì mình cũng đói theo”.
Anh Trần Vinh, nhà ở phường Quyết Thắng, thành phố Phan Thiết đến với nghề vá lưới sau khi tai nạn ập đến với gia đình anh. Trận lụt lịch sử năm 1993, 5 thành viên trong gia đình anh đang đánh bắt ngoài khơi, hay tin bão chỉ kịp chạy về Mũi Né để tránh. Ở nhà, mẹ và chị gái anh Vinh đã mất khi trên đường tránh lũ bằng chiếc thúng chai do nước chảy xiết, vả lại không quen sử dụng loại phương tiện này nên đã bị lật úp. Thế là gia đình anh đã vĩnh viễn mất đi hai lao động chính mỗi khi ghe cập bến. Anh Vinh kể lại: “Cực chẳng đã mới theo cái nghề này, suốt ngày ngồi một chỗ, lưng và các khớp gối thường xuyên đau nhức”.
Duyên nghề
Hiện nay, ông Túy không còn phải xách túi đồ nghề lang thang ở làng biển vá lưới dạo mà chỉ ngồi một chỗ trong dinh Vạn Thủy Tú, nơi trưng bày bộ xương cá voi ông lớn nhất Việt Nam. Hàng ngày, khách hàng cần thì mang lưới đến tìm ông. “Sao không làm ở chỗ nào khác mà phải trong dinh Vạn Thủy Tú?”, tôi hỏi. Ông Túy cho hay: “Chúng tôi quan niệm được gặp, được gần Ông Nam Hải là một phúc đức lớn. Ông Nam Hải luôn chở che, cứu nạn cho ngư dân thoát khỏi tay thần chết vì thế tôi xin vào đây, mượn khoảng sân này để hành nghề vừa có điều kiện nhang khói cho ông vừa cầu nguyện cho chúng tôi được an lành”.
Tuy sinh ra và lớn lên ở miền biển nhưng ông Túy không quan tâm lắm đến tín ngưỡng mà ngư dân bao đời phải tuân thủ. Ông Túy kể lại “tai nạn” xảy ra vào những ngày đầu đến với nghề: “Đầu năm 1993, tôi được chủ ghe thuê vá lại dàn lưới cản với tiền công 6.000 đồng/ngày, bao cơm. Do tôi không biết nên đi giẫm lên lưới một cách thoải mái. Nghe ông chủ đằng hắng nhiều lần nhưng cứ nghĩ ông chủ bị bệnh. Đến lúc ông chủ không thể im lặng được, ông ấy quát tháo ầm ĩ và cho nghỉ việc. Cũng may, con gái ông chủ năn nỉ cha cho tôi làm lại và có thêm nhiều kinh nghiệm để vào nghề. Giẫm lên lưới là một trong những điều tối kỵ của người làm nghề biển, đặc biệt là phụ nữ. Họ cho rằng, hành động đi, đứng, ngồi, nằm… trên lưới là gieo rắc một điều gì đó xui xẻo”.
“Nghề vá lưới không đơn giản chỉ thạo nghề mà còn phải biết định tuổi thọ của lưới để tư vấn cho chủ. Nhiều chủ lưới không có điều kiện mua sắm lưới mới phải tận dụng lại lưới cũ. Lúc này, người làm nghề vá lưới phải biết cách nhuộm lại màu lưới và trụng trong nước sôi. Mục đích của việc làm này là để thu hút cá và tăng tuổi thọ của lưới”, anh Vinh cho biết.
Lão ngư Võ Hạnh, một trong những người có kinh nghiệm tổ chức lễ hội nghinh ông ở thành phố Phan Thiết cho biết: “Từ đời xưa, ngư dân rất xem trọng việc chọn người vá lưới, tuy nhiên, quan niệm này dần cũng bị xóa bỏ bởi lớp hậu sanh. Không ít gia đình phải đi coi thầy để tìm người vá lưới hợp tuổi với người đứng tên chủ ghe. Nếu trong gia đình không có thành viên nào thì phải đi thuê mướn. Cư dân miền biển quan niệm người vá lưới và chủ ghe hạp nhau sẽ làm ăn khấm khá. Và hàng năm, vào ngày lễ tết, chủ ghe bằng mọi cách tìm đến thăm viếng người vá lưới để gọi là trả ơn”.
Ông Hạnh còn cho biết, đàn ông làm nghề vá lưới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn, những bạn biển đều biết vá lưới nhưng họ chỉ ra tay khi người phụ nữ phải chịu tang ai đó hoặc đến kỳ kinh nguyệt.
“Ngày công vá lưới hiện nay khoảng từ 60 – 80 ngàn đồng. Có khi vá xong lưới, nhận được mấy trăm ngàn nhưng vào viện điều trị khớp, mua thuốc thang mất cả bạc triệu”, anh Vinh tâm sự.
 
Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)