Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đàn ông Việt Nam chết chủ yếu do thuốc lá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2011 cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam với gần 11% tổng số ca tử vong là do thuốc lá.
Tự bỏ tiền mua bệnh
Chiều 12/11, tại bệnh viện K Hà Nội, tiếp xúc với nhiều nam giới đang chăm sóc người thân bị ung thư tại viện, rất nhiều người chỉ cười khi được hỏi về tác hại của thuốc lá.
“Khi hút thuốc, tôi chẳng bao giờ nghĩ về tác hại của nó, chỉ hút như một bản năng. Ngồi không một lát mà không hút thì không chịu được. Bố tôi bị ung thư phổi, nhưng ông cũng đã 70 tuổi, cũng hút thuốc từ thời thanh niên (nhưng chỉ hút thuốc lào). Khi vào đây khám, bị ung thư phổi, bác sĩ nói phần nhiều nguyên nhân là do hút thuốc. Biết thế nhưng vẫn không bỏ được”, anh Nguyễn Văn Nam (Ý Yên, Nam Định) cho biết.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Riêng tại Việt Nam, nghiên cứu mới nhất của Viện chiến lược và chính sách y tế thực hiện năm 2010 cho thấy, ước tính gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Người hút thuốc lá dửng dưng vì họ không cảm nhận được khói thuốc độc. Một thử nghiệm do WHO thực hiện với 400 điếu thuốc cho thấy tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Mỗi điếu thuốc có chứa 18mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín). Kết quả cho thấy, khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành màu đen đặc như cà phê do do thấm nhựa và sau 400 điếu, nước đen kịt như nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hơi nước hết, các nhà khoa thu lại được 7,2g nhựa, rất dính và đắng. Trong khi đó, người nghiện thuốc lá có thể hút 1 bao thuốc (20 điếu) thậm chí nhiều hơn mỗi ngày.
Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cũng cho thấy khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học thay vì 4.000 chất được công bố trước đây, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra 40 nghìn ca tử vong mỗi năm. “Không chỉ gây bệnh cho gần 24% dân số trực tiếp hút thuốc, mà nó còn ảnh hưởng xấu tới rất nhiều đối tượng phải ngửi khói thuốc thụ động. Số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở VN rất cao. Có 70% phụ nữ và 50% trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà”, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chánh văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đánh giá.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Và cứ thế, từng ngày, từng ngày những người hút thuốc lá cứ bỏ tiền ra để hít chất độc vào cơ thể, gây những căn bệnh khủng khiếp với chi phí điều trị khổng lồ. Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội cho thấy, chi phí điều trị của ba căn bệnh liên quan đến thuốc lá gồm ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh mạch vành) là 2.304 tỷ đồng. Cũng trong năm 2007, báo cáo của Bộ công thương cho thấy, số tiền người dân chi cho mua thuốc lá là 14.000 tỷ đồng.
Chi 500 đồng để mang lại một năm sống khỏe
Tất cả những mối nguy trên đều có thể cảnh báo đến người hút thuốc bằng cảnh báo tác hại thuốc lá bằng hình ảnh, để họ ý thức được đang rước bệnh vào người. Thế nhưng, việc đưa cảnh báo thuốc lá bằng hình ảnh vào luật cứ được bàn lên bàn xuống, các cảnh báo tác hại trên vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở dòng chữ: “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”. Vì thế, dự thảo Luật PCTHTL đã đưa ra quy định in cảnh báo sức khỏe phải chiếm 50% diện tích các mặt chính của bao bì.
Bà Phan Thị Hải, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, năm 2011, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã tiến hành nghiên cứu về chi phí, hiệu quả của việc in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh tại VN cho thấy: Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh tại Việt Nam sẽ có chi phí cực thấp với hiệu quả cao, chỉ cần đầu tư 500 đồng cho viện in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh thì sẽ mang lại một năm sống khỏe cho người Việt”.
Theo WHO, việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh sẽ giúp tránh được khoảng 300 – 700 ca tử vong sớm mỗi năm trong nhiều thập kỷ. Không những thế, nó sẽ giúp ngăn ngừa đối tượng thanh thiếu niên hút thuốc; đồng thời, các cơ quan chức năng dễ dàng phân biệt đâu là thuốc lá lậu. Vì vậy in càng to, càng rõ ràng càng dễ phân biệt.
Hiện đã có 42 quốc gia trên thế giới quy định in CBSK bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá, trong đó 4 nước ở Đông Nam Á đã thực hiện. Còn tại Việt Nam, dòng chữ nhỏ bé “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” hoặc “Hút thuốc lá có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính” không có tác động khiến người hút thuốc sợ hãi mà bỏ thuốc.
Theo Hồng Hải (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)